TTCK VIỆT NAM
VN-Index tích lũy quanh ngưỡng 1350 điểm, chờ đợi dòng tiền phân hóa theo KQKD.
Thị trường vận động tích lũy quanh ngưỡng 1350 điểm trong tuần qua. Dòng tiền đầu tư thu hẹp vào 1 số ngành nhất định khi chỉ có 6/19 ngành tăng điểm với 188 cổ phiếu tăng và 195 cổ phiếu giảm. Các nhóm đóng góp chính cho thị trường là nhóm Bảo hiểm, Bán lẻ và Ngân hàng. Thanh khoản thị trường chỉ tăng nhẹ so với tuần trước do các nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng tại ngưỡng tâm lý 1350 điểm. Trong khi đó, Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tập trung vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn. Xu hướng giao dịch trong biên độ hẹp trong các phiên cuối tuần qua là dấu hiệu xác lập xu hướng mới của thị trường. Trong tuần tới, dòng tiền đầu tư dự kiến có thể phân hóa và tập trung vào các mã cổ phiếu có KQKD quý III khả quan hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
TTCK THẾ GIỚI
Đẩy nhanh quá trình đổi định hướng chính sách của FED
Dự báo kinh tế thế giới được OECD cập nhật ngày 21/9, ước tính GDP: thế giới tăng 5.7% trong 2021, Mỹ tăng 6.0%, Châu Âu tăng 5.3%, trong khi Trung Quốc tăng 8.5%. Bối cảnh phân phối vaccine Covid-19 tiếp tục được đẩy mạnh, cho phép dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kết hợp cùng các gói tài khóa, vĩ mô thế giới nhìn chung tích cực trong 2021, cũng như 2022, +4.5%. Vận động hồi phục chưa đồng đều giữa các quốc gia, và có thể vẫn là khá sớm để ngân hàng trung ương nhiều nước dừng các biện pháp nới lỏng, ngay cả khi áp lực lạm pháp tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ ước tăng 3.6% trong 2021, Châu Âu tăng 2.1%, trong khi Trung Quốc tăng 1.2%. Lạm phát cơ bản tại Mỹ ước tăng 3.1% trong 2021, Châu Âu tăng 1.4%. Triển vọng tích cực góp phần giúp TTCK Mỹ lấy lại sắc xanh (Dow Jones +0.66%, S&P500 +0.53%). Bên cạnh đó, cuộc họp FOMC gần nhất cũng tác động mạnh tâm lý đầu tư. Cuộc họp này nhấn mạnh hơn nữa thay đổi trong quan điểm chính sách tiền tệ, bình thường hóa điều hành, khả năng cao tiến hành thu hẹp biện pháp nới lỏng định lượng trong tháng 11, và cho thấy dấu hiệu bắt đầu nâng thêm lãi suất điều hành sớm hơn ước tính . 9/18 quan chức FED ủng hộ gia tăng thêm một lần lãi suất điều hành trong 2022. 17/18, 13/18, 10/18, và 9/18 quan chức FED ủng hộ gia tăng thêm lần lượt, một, hai, ba, hoặc bốn lần lãi suất điều hành trong 2023. Tuy vậy, việc thay đổi quan điểm điều hành sớm cũng đồng thời phản ánh triển vọng tương đối tích cực giúp cho diễn biến thị trường không phản ứng quá mạnh trước những thay đổi của đường lối chính sách. Trung vị dự phóng GDP 2021, 2022, và 2023 tăng lần lượt 5.9%, 3.8%, và 2.5% (vs. 7.0%, 3.3%, và 2.4% trong dự phóng tháng 6). Trung vị dự phóng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng lần lượt 4.2%, 2.2%, và 2.2% (vs. 3.4%, 2.1%, và 2.2%). Trung vị dự phóng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cơ bản tăng lần lượt 3.7%, 2.3%, và 2.2% (vs. 3.0%, 2.1%, và 2.1%). TTCK Trung Quốc điều chỉnh giảm sau khi vận động phục hồi lên gần 3675 điểm dịp giữa tuần, bối cảnh một loạt cơ quan quản lý cấp cao nhất của nước này ban hành lệnh cấm mọi hoạt động giao dịch, khai thác tiền ảo. Trước phiên cuối tuần. TTCK trung Quốc hồi phục khá tích cực, bối cảnh chính phủ nước này liên tục gia tăng tính thanh khoản bằng các hợp đồng mua lại đảo ngược với giá trị 460 tỷ CNY.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Lưu ý diễn biến của tình trạng dịch bệnh COVID-19.
• VNIndex trong tuần tiếp theo dự kiến kiểm tra lại ngưỡng 1380 điểm.
• Ngày 26/9, Đức tổ chức bầu cử thủ tướng mới thay bà Angela Merkel. Ngày 28/9, Chủ tịch FED Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen điều trần trước ủy ban ngân hàng thượng viện Hoa Kỳ. Ngày 29/9, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản bầu lãnh đạo, người trở thành thủ tướng mới thay ông Suga Yoshihide, Lãnh đạo BOE, BOJ, ECB, và FED tham dự diễn đàn ngân hàng trung ương. Ngày 30/9, ngày cuối cho dự luật cung cấp vốn tạm thời nhằm duy trì hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ. Chủ tịch FED Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ, Châu Âu, Đức công bố tỷ lệ thất nghiệp, Trung Quốc công bố PMI sản xuất và PMI phi sản xuất, Hoa Kỳ công bố GDP, Đức, Pháp công bố CPI, Nhật Bản công bố sản lượng công nghiệp, bán lẻ hàng hóa. Ngày 1/10, Châu Âu công bố CPI, Nhật Bản công bố bán lẻ hàng hóa, PMI sản xuất.