Báo cáo vĩ mô tuần

Tuần 42_Gói kích thích kinh tế mới, VN-Index kiểm tra vùng 1370-1380 điểm_101021

  • Ngày đăng

    10/10/2021

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Lượt tải về

    1383

Báo cáo chi tiết

TTCK VIỆT NAM
Gói kích thích kinh tế mới, VN-Index kiểm tra vùng kháng cự 1370-1380 điểm.
Thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá tốt trong tuần vừa qua. Dòng tiền đầu tư lan tỏa vào thị trường khi có 18/19 ngành tăng điểm với 304 cổ phiếu tăng và 85 cổ phiếu giảm. Các nhóm đóng góp chính cho đà tăng điểm của thị trường là nhóm Công nghệ thông tin, Tiện ích và Tài nguyên cơ bản. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức tương đương so với tuần trước trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong tuần. Tuy thị trường đã vượt lên ngưỡng 1370 điểm vào phiên cuối tuần nhưng thanh khoản thị trường cũng suy giảm vào phiên này. Điều này cho thấy, đà tăng của thị trường vẫn ở mức khá yếu và nhiều khả năng, thị trường sẽ duy trì nhịp vận động trong vùng 1350-1380 điểm vào tuần sau.
Trong tuần, tại buổi họp hội nghị trung ương lần thứ 4, chính phủ đã có thảo luận về 1 gói kích thích hỗ trợ kinh tế mới.  Thông tin chi tiết của gói này dự kiến sẽ được đề cập vào tuần tới khi Quốc hội họp với 3 Ủy Ban, 2 bộ và Ngân hàng nhà nước nhằm thảo luận về các chính sách tiền tệ và tài khóa.  Đồng thời chủ tịch VCCI cũng đề xuất nâng trần nợ công và gia tăng hạn mức gói hỗ trợ lên đến 4% GDP, khoảng 250,000 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 16 tỉnh thành phố đồng thuận với cục Hàng không về việc mở thí điểm đường bay từ ngày 10/10. Đây cũng là dấu hiệu khả quan cho việc đẩy nhanh tiến độ mở của kinh tế sau 3 tháng giãn cách xã hội. Những thông tin trên có thể gây hiệu ứng tích cực cho hoạt động giao dịch của thị trường vào tuần sau.
 
TTCK THẾ GIỚI
Tình hình lao động tích cực tại Hoa Kỳ
Báo cáo tình hình lao động trong tháng 9 tiếp tục cho thấy tín hiệu trái chiều. 194 nghìn việc làm thêm mới trong tháng 9 tại Hoa Kỳ sau khi 366 nghìn việc làm thêm mới trong tháng 8. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4.8%, tiếp tục cho thấy dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ lao động trên dân số có vận động tăng lên 58.7%, cũng cho thấy tiến trình hồi phục trong lao động tích cực thời gian vừa qua. Triển vọng tích cực góp phần giúp TTCK Mỹ lấy lại sắc xanh (S&P500 +1.22%). Lượng thêm mới lao động thấp, góp phần củng cố quan điểm vận động phục hồi vẫn chưa hoàn thành, định hướng nới lỏng cần được tiếp tục trong trung hạn. Tuy vậy, việc thu hẹp biện pháp nới lỏng định lượng nhiều khả năng vẫn được triển khai trong tháng 11. Tỷ lệ lao động trên dân số đã tương đương mức 58.6% – là mức binh quân trong 12 tháng trước khi FED bắt đầu phát tín hiệu đầu tiên về việc điều chỉnh giảm những biện pháp nới lỏng năm 2013, là cơ sở để cơ quan điều hành tiền tệ chủ chốt này tiến hành thu hẹp lượng mua tín phiếu chính phủ, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Lương trung bình thoe giờ tăng 4.6% YoY, cũng cho thấy lo ngại về việc vận động tăng của lạm phát được kéo dài là có cơ sở, khi cầu lao động cao hơn hẳn cung lao động một phần bởi những chính sách tài khóa của giai đoạn dịch bệnh. Điều kiện vĩ mô tích cực, cơ sở cho việc sớm thu hẹp hoạt động thu mua tín phiếu cũng được phản ánh qua chỉ số PMI phi sản xuất đạt mức 61.7 điểm. Nhìn chung, triển vọng tốt, giúp vận động chứng khoán tích cực trong ngắn hạn, đặc biệt khi rủi ro trần nợ công có thể tác động nhẹ hơn với việc Thượng viện Mỹ thông qua việc nâng mức mục tiêu thành 28.9 nghìn tỷ USD. Trên thị trường hàng hóa, dâu thô Brent tăng 3.92%, dầu thô WTI tăng 4.57%. Quyết định giữ mức tăng 400,000 thùng/ngày mỗi tháng, nhằm giảm hạn chế cung dầu 5.8 triệu thùng/ngày hiện tại của OPEC+ là không đủ trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng tại Trung Quốc và Châu Âu trong giai đoạn gần đây.  

THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Lưu ý diễn biến của tình trạng dịch bệnh COVID-19. 
• VNIndex trong tuần tiếp theo dự kiến vận động trong vùng 1350-1380 điểm
• Ngày 10/10, Trung Quốc công bố FDI. Ngày 11/10 IMF và World Bank tổ chức cuộc họp thường niên kéo dài tới 17/10. Ngày 12/10, IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, NHTW Hàn Quốc họp điều hành chính sách tiền tệ, Nhật Bản công bố chỉ số giá sản xuất. Ngày 13/10, Trung Quốc công bố xuất nhập khẩu, lãi suất trung hạn, Nhật Bản công bố cung tiền M2, Châu Âu công bố sản lượng công nghiệp, Đức công bố chỉ số giá tiêu dùng, Hoa Kỳ công bố biên bản họp FOMC, chỉ số giá tiêu dùng. Ngày 14/10, Trung Quốc công bố chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng, Nhật Bản công bố sản lượng công nghiệp.  
icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh