Tạp chí Nhịp sống thị trường - 27/09/2023 8:23:26 SA
Riêng trong 1 tuần gần nhất, cổ phiếu vẫn đi ngược dòng thị trường với mức tăng gần 4%, neo tại vùng đỉnh giá khoảng 1 năm.
Thị trường chứng khoán mất gần 74 điểm chỉ sau hơn một tuần, hàng loạt cổ phiếu cắm đầu giảm sâu dưới áp lực bán tháo mạnh. Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Mã PTB của Công ty Cổ phần Phú Tài (Gỗ Phú Tài) giữ vững phong độ với đà tăng 68% kể từ vùng đáy ngắn hạn hồi tháng 11/2022 để lên mức 58.900 đồng/cp. Riêng trong 1 tuần gần nhất, cổ phiếu vẫn đi ngược dòng thị trường với mức tăng gần 4%, giữ vững vùng giá cao nhất của cổ phiếu ngành gỗ này trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Phú Tài được biết tới là một doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ với doanh thu chủ yếu đến từ gỗ xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 70%. Nửa đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu gỗ ở Việt Nam bị tác động mạnh bởi nền kinh tế thế giới trong bối cảnh đơn hàng khan hiếm do nhu cầu sụt giảm mạnh, các rào cản thương mại từ thị trường Mỹ hay EU... Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022 xuống 4,1 tỷ USD.
Không nằm ngoài bối cảnh chung, hoạt động kinh doanh của Gỗ Phú Tài chịu ảnh hưởng mạnh. Sáu tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 2.898 tỷ đồng, giảm 20% và lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 41% kế hoạch doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Theo công ty, lợi nhuận giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát kéo dài ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu cũng đang khiến các doanh nghiệp ngành gỗ lâm vào tình cảnh thiếu đơn hàng, giảm giá bán để cạnh tranh.
Chia sẻ với cổ đông, ông Phan Quốc Hoài - Phó Tổng Giám đốc Phú Tài cho biết, ngay từ đầu doanh nghiệp đã nhận định tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm nay sẽ có nhiều khó khăn do những tác động không thuận lợi của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới. Việc đi lùi trong kinh doanh năm 2023 đã được doanh nghiệp lường trước. Riêng trong quý 3, Phú Tài đặt mục tiêu doanh thu thuần đạ t1.351 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 107 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 27% so với thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
"Gió đảo chiều" trong nửa cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu hồi phục
Không như những sự thận trọng của ban lãnh đạo, đội ngũ chuyên gia có quan điểm tích cực hơn đối với doanh nghiệp đầu ngành gỗ Việt Nam. Chứng khoán Agriseco (Agriseco Research) cho rằng Phú Tài có triển vọng phục hồi tích cực cho mảng gỗ các tháng cuối năm. Đây là mảng chiếm tỷ trọng lớn (trên 50%) trong cơ cấu doanh thu của công ty, do đó việc đơn hàng xuất khẩu gỗ có dấu hiệu phục hồi sẽ giúp doanh thu có thể tăng trưởng dương trở lại từ quý 3 trên mức nền thấp cùng kỳ.
Theo Agriseco Research, doanh số bán nhà mới tại thị trường Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi cho thấy những tín hiệu khởi sắc đầu tiên của thị trường nhà ở qua đó giúp kỳ vọng vào sự phục hồi của các đơn hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ. Ngoài ra, thị trường bất động sản trong nước kỳ vọng ấm dần lên cũng giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, nhà máy Phù Cát giai đoạn 3 mở rộng công suất gỗ tinh chế lên 103.000 m3/năm (+22% so với công suất hiện tại) có thể vận hành trong năm 2024.
Chưa dừng lại, mặc dù KQKD nhìn chung của Phú Tài giảm nhưng mảng đá ốp lát đã có quý thứ 5 liên tiếp tăng trưởng dương. Tỷ trọng đóng góp vào KQKD của mảng đá ốp lát vươn lên mạnh mẽ và trong quý 2/2023 vừa qua để ngang bằng mảng gỗ (chiếm 47%). Agriseco Research cho rằng kết quả khả quan này có được nhờ nhà máy đá ở Đồng Nai đưa vào vận hành. Giai đoạn 1 đã hoạt động hết công suất và giai đoạn 2 có thể được vận hành trong nửa sau năm 2023 qua đó giúp PTB tiếp tục tăng 40% công suất mảng đá ốp lát. Sau khi áp thuế CBPG đối với đá ốp lát của Trung Quốc từ năm 2019, Mỹ tiếp tục áp thuế đối với sản phẩm của Ấn Độ từ năm 2022 qua đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đá của Việt Nam gia tăng đơn hàng.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định kết quả kinh doanh mảng đá nhân tạo và gỗ nội thất của Phú Tài sẽ hồi phục tốt hơn trong nửa sau của năm 2023 nhờ số lượng giao dịch nhà ở và xây dựng mới quay trở lại tăng trong tháng 7/2023 sẽ tạo đông lực tiêu thụ cho các sản phẩm đá thạch anh, đá lát và gỗ nội thất.
Đồng thời, lượng hàng tồn kho của các nhà phân phối nội thất đã giảm 5 tháng liên tiếp từ tháng 2 năm nay và nhu cầu tiêu thụ lớn cho giai đoạn cuối năm sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ gia tăng nhập hàng. Diễn biến thuận lợi của tỉ giá USD/VND cũng sẽ giúp PTB gia tăng lợi nhuận kênh xuất khẩu.
Riêng tại mảng đá, KBSV kỳ vọng kỳ vọng giai đoạn 2 sẽ đi vào hoạt động trong quý 3 năm nay sẽ nâng năng lực sản xuất và cung ứng của PTB trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Biên lãi gộp mảng đá thạch anh có thể duy trì ở mức 30% trong 2023, đi kèm với đó là sự hồi phục từ nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ trong nửa cuối 2023.
Đối với hoạt động lĩnh vực bất động sản, nửa đầu năm 2023 Phú Tài ghi nhận 32 tỷ đồng doanh thu chủ yếu từ việc bàn giao căn hộ tại dự án Phú Tài Residence, với biên lãi gộp đạt 41%. Tới cuối quý 2, giá trị hàng tồn kho của dự án đạt 255 tỷ đồng, tương ứng với 530 tỷ đồng doanh thu có thể được hạch toán phần lớn trong 2024 với kịch bản thị trường bất động sản dân cư hồi phục. Đối với dự án Phú Tài Central Life, PTB đã hoàn thành thi công phần móng và đang thực hiện thi công tầng hầm. KBSV kỳ vọng dự án sẽ bắt đầu được mở bán từ cuối quý 2/2024.
KBSV dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Phú Tài trong năm 2023 sẽ đạt lần lượt 6.321 tỷ (-8% so với cùng kỳ năm trước) và 378 tỷ (-25% so với cùng kỳ năm trước). Sang tới 2024, các chỉ tiêu có thể tăng trưởng hàng chục phần trăm, lần lượt là 7.409 tỷ đồng và 625 tỷ đồng.
Nguồn: KBSV
Các tin liên quan
31/10/2024 RCC: Báo cáo tài chính quý 3/2024
31/10/2024 VHD: Báo cáo tài chính quý 3/2024
31/10/2024 VHD: Báo cáo tài chính quý 3/2024 (công ty mẹ)
31/10/2024 VCP: Báo cáo tài chính quý 3/2024 (công ty mẹ)
31/10/2024 VCP: Báo cáo tài chính quý 3/2024
31/10/2024 TCK: Thông báo kết quả bán đấu giá cổ phần tại CTCP Cơ khí và xây lắp Sông Chu (COMA17)
31/10/2024 VDG: Nghị quyết Hội đồng quản trị
31/10/2024 SGB: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông
31/10/2024 TPS: Báo cáo thay đổi sở hữu cổ phiếu của cổ đông lớn - Đoàn Thị Thúy Quỳnh
31/10/2024 TPS: Phan Kim Mỹ không còn là cổ đông lớn