CBS: Dự kiến giá đường sẽ neo cao nhưng lo ngại bị tranh mua vùng nguyên liệu

Tạp chí Công Thương - 29/09/2023 4:55:00 CH


Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng (mã cổ phiếu CBS) cho biết mặc dù dự kiến giá đường sẽ neo cao nhưng tình trạng bị tranh mua vùng nguyên liệu có thể khiến lợi nhuận niên vụ tới giảm 51%.
 
Sản lượng giảm sâu nhất 10 năm nhưng lợi nhuận vẫn vượt 48% kế hoạch
 
Công ty Cổ phần Mía Đường Cao Bằng (mã cổ phiếu CBS - sàn UPCoM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với nhiều điểm đáng chú ý.
 
Theo đó, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh niên vụ 2022/2023 (từ 01/7/2022 - 30/6/2023), Mía đường Cao Bằng cho biết vùng nguyên bị thu hẹp, diện tích trồng mới chỉ đạt 75,5% kế hoạch hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt lực lượng lao động có sức khoẻ ở địa phương khiến công tác trồng mới và thu hoạch đối mặt nhiều khó khăn. Trong khi đó, thu nhập từ cây mía chưa hấp dẫn người nông dân khi so với các loại cây trồng khác.
 
 
Tình trạng bị tranh mua tại vùng nguyên liệu khiến sản lượng mía bị thất thoát trong niên vụ 2022/2023 của Mía đường Cao Bằng lên tới gần 20.000 tấn.
 
Đáng chú ý, Mía đường Cao Bằng cho biết trong vùng nguyên liệu của doanh nghiệp này còn xuất hiện tình trạng các tư thương và doanh nghiệp khác trên địa bàn Cao Bằng cạnh tranh thu mua mía để làm thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu sang Trung Quốc, và sản xuất đường phên, khiến sản lượng mía thất thoát lên tới gần 20.000 tấn.
 
Những nhân tố này khiến sản lượng mía cả niên vụ 2022/2023 chỉ đạt 131.884 tấn, tương ứng 90% kế hoạch cả năm; đây cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của doanh nghiệp Mía đường Cao Bằng. Đồng thời, chất lượng nguyên liệu thấp, trữ đường trong mía không cao dẫn đến hiệu suất thu hồi trong sản xuất thấp. Do đó, tổng sản lượng đường sản xuất của doanh nghiệp đường này chỉ đạt hơn 13.700 tấn, tương ứng 89% kế hoạch đề ra.
 
Tuy nhiên, giá đường trong nước tăng mạnh từ 18.200 đồng/kg lên trên 20.000 đồng/kg (từ cuối tháng 3/2023) và duy trì ở mức cao như này cho đến nay, trong bối cảnh giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm. Nhờ vậy, các chỉ tiêu kinh doanh niên vụ 2022/2023 của Mía đường Cao Bằng đều vượt kế hoạch năm đề ra. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ đạt 17.000 tấn (vượt 10% kế hoạch), tổng doanh thu đạt 296 tỷ đồng (vượt 15% kế hoạch, tăng 24% so với niên vụ trước), và lợi nhuận đạt 55 tỷ đồng (vượt 48% kế hoạch, giảm 8% so với niên vụ trước). 
 
Với kết quả này, Mía đường Cao Bằng đề xuất phương án chia cổ tức niên vụ 2022/2023 bằng tiền với tỷ lệ 20%/vốn điều lệ. Dự kiến Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp này sẽ diễn ra vào ngày 18/10/2023, tại huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.
 
Lo ngại bị tranh mua vùng nguyên liệu, thận trọng đặt mục tiêu niên vụ 2023/2024
 
Về triển vọng thị trường niên vụ 2023/2024, Mía đường Cao Bằng nhận định thị trường vẫn duy trì nhiều điểm tích cực. Trong đó, mặc dù diện tích trồng vụ Đông Xuân niên vụ 2022/2023 ở một số nhà máy đường đã tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng do thời tiết khô hạn nửa đầu năm đã tác động đến năng suất mía tại Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hoá.
 
Ngoài ra, biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu vẫn còn hiệu lực, cùng với đó sức tiêu thụ của thị trường đã hồi phục trở lại sau đại dịch. Những yếu tố này sẽ giúp sản phẩm đường trên thị trường nội địa giữ giá trong niên vụ tới đây.
 
 
 
Trên thị trường quốc tế, các tổ chức lớn hiện đều dự đoán nguồn cung đường thế giới trong niên vụ 2023/2024 tiếp tục bị thắt chặt do tác động của hiện tượng El Nino và các biện pháp hạn chế khẩu đường của Ấn Độ và một số quốc gia Tây Á khác. Đồng thời, giá dầu thô tăng cao sẽ khiến một phần sản lượng mía được chuyển sang sản xuất Ethanol thay vì sản xuất đường.
 
Tuy nhiên, Mía đường Cao Bằng cho biết tình trạng vùng nguyên liệu bị tư thương tranh mua, làm thiếu hụt nguồn nguyên liệu sẽ khiến quy mô dây chuyền sản xuất bị thu hẹp. Do đó, trong niên vụ 2023/2024, doanh nghiệp này lên kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với sản lượng mía ép đạt khoảng 130.000 tấn và sản lượng đường tiêu thụ đạt trên 13.600 tấn, lần lượt giảm 2% và giảm 20% so với niên vụ trước.
 
Kéo theo đó, tổng doanh thu dự kiến ở mức 252 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 28 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 51% so với niên vụ 2022/2023. Tỷ lệ chia cổ tức được giữ nguyên ở mức 20%/vốn điều lệ.
 
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2022/2023 là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam. Doanh nghiệp mía đường đã có sự phục hồi, lấy lại vị thế nhờ Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trong thời hạn 5 năm.
 

Các tin liên quan