Ngân hàng VietBank và chuyện nhọc nhằn xây dựng “Thương hiệu mạnh - Phát triển bền vững”

Thương hiệu và Công luận - 12/11/2023 8:10:00 CH


Sau khi Thương hiệu và Công luận đăng tải bài viết: “Hành trình xây dựng thương hiệu VietBank - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín” ngày 20/10/2023 liên quan đến hành trình xây dựng, phát triển thương hiệu của VietBank đã nhận được nhiều phản hồi. Trong đó, vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư và tài chính của thương hiệu VietBank được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.
 
 
Những năm gần đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thương Tín (MCK: VBB – VietBank) gặp phải không ít thăng trầm như: Nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu) ngày càng tăng cao, thậm chí vượt cả “ngưỡng trần” theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy  nhiên, nhà băng này vẫn liên tiếp cấp tiền cho các doanh nghiệp “họ Hoa Lâm" vay và huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu sau khi cấp tín dụng...
 
Trong quý III/2023, mặc dù các mảng doanh thu của VietBank có chuyển biến tích cực nhưng tỷ nợ xấu lại vượt ‘ngưỡng’ trần lên mức 4,05% so với hồi đầu năm; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã cắt giảm 50% nhưng vẫn không thể bù đắp cho sự giảm sút trong lợi nhuận… Đáng chú ý, thương hiệu VietBank này đang ‘sở hữu’ hơn 95.606 tỷ đồng bất động sản thế chấp và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng cao.
 
 
Nợ khó thanh khoản vượt “ngưỡng trần”, nhưng doanh thu tăng
 
Dữ liệu báo cáo tài chính (BCTC) của Ngân hàng TMCP VietBank cho thấy, tính đến ngày 30/09/2023 mảng thu nhập lãi thuần – nguồn thu chính của ngân hàng đạt hơn 348,6 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2022;
 
Mảng lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của VietBank giảm tới 44% đạt 25,4 tỷ đồng và mảng lãi từ hoạt động khác cũng giảm xuống còn 658 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 75 tỷ đồng.
 
Điểm sáng trong bức tranh tài chính quý này, mảng lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 32 tỷ đồng, tăng nhẹ lên 2,5% và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư nhảy vọt tới 207%, lên mức 10,4 tỷ đồng.
 
 
 
Trong kỳ, VietBank đã cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro về mức 20,2 tỷ đồng nhưng vẫn không thể bù đắp cho sự giảm sút trong lợi nhuận. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ghi nhận 49,6 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
 
Chi phí hoạt động của VietBank cũng ghi nhận 347 tỷ đồng, giảm gần 6% (chủ yếu là chi phí nhân viên và chi phí tài sản), do vậy lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của VietBank đã giảm tới 63%, chỉ còn hơn 69,9 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 188,7 tỷ đồng).
 
Lũy kế 09 tháng đầu năm 2023, VietBank có doanh thu giảm 4,4%, đạt 1.276 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 22% đạt 418,5 tỷ đồng.
 
Kết thúc ngày 30/09/2023, tổng tài sản tại VietBank đạt hơn 125.079 tỷ đồng, tăng 12,3% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng tăng gần 12% đạt mức 70.490 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi khách hàng của VietBank ở mức 85.847 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
 
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09/2023 của VietBank đạt 2.891 tỷ đồng, tăng 566,4 tỷ đồng (tương đương tăng 24,3%) so với đầu năm.
 
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh nhất chạm mức 443,1 tỷ đồng (tăng 143%), trong khi hồi đầu năm ở mức 182 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 64,8% đạt 539,8 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) vẫn chiếm ở mức cao nhất với 1.907,8 tỷ đồng, (tăng thêm 93,3 tỷ đồng – tăng 5%) so với hồi đầu năm 2023. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của VietBank tăng từ 3,65% hồi đầu năm lên mức 4,05% tại thời điểm 30/09/2023.
 
 
 
Nhìn các chỉ số tài chính trong BCTC của ngân hàng VietBank dễ dàng nhận ra, tổng nợ xấu bao gồm cả nợ có khả năng mất vốn ngày càng tăng “chóng mặt”. Thậm chí, từ năm 2021 đến quý III/2023 tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã vượt “ngưỡng trần” theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 
 
Cụ thể hơn, năm 2019 tổng nợ xấu của ngân hàng VietBank đạt 539 tỷ đồng, chiếm 1,31% tổng dư nợ cho vay. Năm 2020, 2021 và 2022 cặp chỉ tiêu tổng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của VietBank lần lượt là: 785 tỷ đồng (1,75%) vào năm 2020, 1.845 tỷ đồng (3,65%) vào năm 2021 và 2.324 tỷ đồng (3,65%) vào năm 2022..
 
Gần đây nhất, trong quý I/2023, số dư nợ xấu của ngân hàng này đạt 2.654 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) vẫn chiếm ở mức cao nhất với 1.979,7 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng đến 67%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3,65% hồi đầu năm lên 4,31%. Qúy II/2023, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên mức 3,86% tại thời điểm 30/06/2023.
 
 
 
Song, nhìn vào kết quả kinh doanh của VietBank qua các năm gia đoạn từ 2019 đến tháng 09/2023 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng rất ổn định. Năm 2019, VietBank ghi nhận doanh thu thuần 1.216 tỷ đồng và lợi nhận trước thuế 613 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu 1,31%). Năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhận trước thuế của VietBank lần lượt giảm về 569,7 tỷ đồng và 381 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu 1,75%). Tuy nhiên, năm 2021 doanh thu thuần và lợi nhận trước thuế đã vọt lần lượt lên 1.486 tỷ đồng và 636 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ xấu lại tăng lên mức 3,65%. Năm 2022, doanh thu thuần đạt 1.811 tỷ đồng và lợi nhận trước thuế đạt 659 tỷ đồng,…
 
 
 
Liên quan đến tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước từng đặt “ngưỡng trần” nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác... Có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín đang vượt “ngưỡng trần” nêu trên.
 
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/09/2023, Ngân hàng VietBank đã có hơn 3.411 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng 45,6% so với hồi đầu năm 2023. Trong đó, toàn bộ đều là trái phiếu kỳ hạn 07 năm.
 
Sau Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, chiều 26/04, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) đã họp và bầu ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025.
 
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, VietBank đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, tổng dư nợ cấp tín dụng (tăng 21%), tổng huy động vốn (tăng 30%) so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính 2021, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đạt 3,65%, cao gấp 2,08 lần so với năm 2020 (1,75%). Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu thời điểm cao nhất đạt mức 4,3% (quý I/2023) - tức tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 1,3% vượt mức “ngưỡng trần”mà Ngân hàng nhà nước từng đặt ra.
 
VietBank cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp “họ Hoa Lâm” 
 
Như bài viết trước đó, Thương hiệu và Công luận đã đề cập, ngân hàng VietBank và Tập đoàn Hoa Lâm có mối liên hệ mật thiết khi ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VietBank cũng chính là con trai bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
 
Nhìn vào lịch sử kinh doanh có thể thấy rõ quá trình VietBank cấp tiền vay cho các doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm”. Đáng chú ý, gần đây VietBank liên tục cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm” nói trên thông qua giao dịch cấp tín dụng.
 
Cụ thể hơn, VietBank đã chấp thuận thông qua giao dịch cấp tín dụng giữa Ngân hàng này với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La (ngày 20/07/2023), VietBank cũng thông qua việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside (ngày 29/06/2023),VietBank cũng thông qua việc cấp tín dụng cho CTCP Kingdom Đông Dương (ngày 28/06/2023). Được biết, các đơn vị nêu trên đều là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm.
 
 
 
Xa hơn một chút, vào năm 2021, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch VietBank và tổ chức liên quan đang nắm giữ 15,9% tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này. Cũng trong năm này, VietBank cấp tín dụng hơn 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong hệ thống Hoa Lâm của bà Trần Thị Lâm.
 
Hàng loạt dự án của Hoa Lâm đều được cấp tín dụng hoặc phát hành bảo lãnh, thế chấp bởi VietBank. Cụ thể, dự án Khu căn hộ - Trung tâm thương mại, dịch vụ Đông Dương (tên thương mại là Kingdom 101) tại số 334 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10 do Công ty cổ phần Phát triển Đô Thị Đông Dương (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm) làm chủ đầu tư. Dự án Kingdom 101 có quy mô 986 căn hộ này được xây dựng trên khu đất 11.400 m2 được khởi công vào ngày 29/09/2017.
 
 
 
Theo văn bản 55CV/ĐD-2018, của Công ty cổ phần Phát triển Đông Dương, ngày 01/08/2018, Công ty cổ phần Phát triển Đô Thị Đông Dương đã thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai của dự án nói trên tại Ngân hàng Vietbank, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; Hay Tập đoàn Hoa Lâm còn thế chấp toàn bộ các quyền của bên đảm bảo phát sinh từ hợp đồng Hợp tác kinh doanh 4B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé giữa tập đoàn và Công ty Hải Thành, giá trị tài sản thế chấp hơn 184 tỷ đồng.
 
Thương hiệu VietBank nhọc nhằn “sở hữu” hơn 95.606 tỷ đồng bất động sản thế chấp cùng nhiều đối tác tín dụng bất động sản
 
Theo đó, BCTC Hợp nhất Soát xét 06 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 30/06/2023), thương hiệu VietBank đang nắm trong tay hơn 95.606tỷ đồng bất động sản thế chấp, giảm 742 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, chiếm 74,7% tổng tài sản thế chấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng này còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng tín dụng tại VietBank trong những năm qua.
 
 
 
Thực tế, việc nắm giữ nhiều bất động sản thế chấp cũng gây khó khăn cho ngân hàng khi thực hiện phát mại do tính thanh khoản không cao và tồn tại nhiều rủi ro pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Ngoài ra, không ít tài sản bảo đảm khi thanh lý, các ngân hàng thường gặp khó khăn vì giá trị bảo đảm của khoản nợ không sát với giá thị trường.
 
Thương hiệu VietBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm được thành lập theo quyết định số 2391/QĐ-NHNN vào ngày 14/12/2006, có trụ sở chính tại tỉnh Sóc Trăng do ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch HĐQT và bà Trần Tuấn Anh làm Tổng giám đốc.
 
Tìm hiểu được biết, cổ đông sáng lập ra thương hiệu VietBank là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đooàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Tiền thân nhóm cổ đông sáng lập ra VietBank là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên.
 
Năm 2019, ông Nguyễn Đức Kiên thông báo thoái hơn 6,6 triệu cổ phiếu VietBank (tương đương 2,035% vốn điều lệ). Sau khi nhóm ông Kiên ra đi tại VietBank, nhóm của nữ đại gia Trần Thị Lâm của Tập đoàn Hoa Lâm xuất hiện tại ngân hàng VietBank.
 
Trước đó, từ tháng 9/2006, ông Dương Ngọc Hòa - Tổng giám đốc Hoa Lâm (chồng bà Trần Thị Lâm) làm Chủ tịch VietBank.
 
Hiện, HĐQT của VietBank gồm: Ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch kiêm TV HĐQT độc lập và 3 Thành viên HĐQT là Bà Lê Thị Xuân Lan, bà Lương Thị Hương Giang và bà Quách Tố Dung.
 
Ban giám đốc gồm: Bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc và 7 Phó tổng giám đốc: Ông Nguyễn Trọng Phúc, bà Ngô Trần Đoan Trinh, ông Phạm Danh, ông Nguyễn Tiến Sỹ, ông Đỗ Khoa Hiệp, ông Lê Huy Dũng và bà Trần Thị Lâm.
 
 
Bà Trần Tuấn Anh giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) kể từ ngày 14/08/2023.
 
 
Ông Dương Nhất Nguyên (SN 1983) là người trẻ nhất trong HĐQT VietBank.  Ông Nguyên đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính và ngân hàng.
 
Trước khi về VietBank, ông Nguyên từng giữ các vị trí điều hành, quản lý tại nhiều doanh nghiệp (Giám đốc đầu tư Công ty CP ĐT PT Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm) và điều hành nhiều dự án lớn của Tập đoàn Hoa Lâm.
 

Các tin liên quan