HAG: HAGL và động thái liên tục tạo ra 'câu chuyện kỳ vọng'

Thời báo kinh doanh - 01/12/2023 8:49:57 SA


Thời gian gần đây, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) liên tục tung ra những thông tin mới liên quan đến kế hoạch tăng vốn cũng như cách giải quyết bài toán triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. Động thái này ít nhiều tạo kỳ vọng cho giới đầu tư, tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu.

CTCP Tập đoàn HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vừa công bố danh sách nhà đầu tư dự kiến chào mua cổ phiếu mới.

Dồn dập thông tin mới

Theo đó, trong danh sách mới, CTCP Tập đoàn ThaiGroup mua 52 triệu cổ phiếu (tương đương 4,92%), CTCP Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 4,73%) và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Quân Tùng mua 28 triệu cổ phiếu (tương đương 2,65%).

Thời gian gần đây, HAGL liên tục tung ra những thông tin mới liên quan đến kế hoạch tăng vốn cũng như cách giải quyết bài toán triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. 

Đáng chú ý, trước đó, HAGL đã công bố danh sách 3 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp để huy động 1.300 tỷ đồng. Số vốn huy động được từ đợt phát hành này chủ yếu để trả nợ, bổ sung vốn lưu động.

Được biết, HAGL dự định sử dụng số tiền huy động 323 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành ngày 18/6/2022 (mã trái phiếu: HAG 2012.300); 277 tỷ đồng cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong; 700 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con - Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai. Tập đoàn dự kiến sẽ giải ngân khoản tiền này vào giai đoạn 2023-2024.

Trong danh sách nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt phát hành này của HAGL có 2 tổ chức là CTCP Chứng khoán LPBank và CTCP Quản lý quỹ Việt Cát và một nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Đức Quân Tùng.

Theo đó, Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu HAG (tương ứng 4,73% vốn HAGL), Quỹ Việt Cát muốn mua 60 triệu cổ phiếu HAG (5,67%) và ông Nguyễn Đức Quân Tùng đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu (1,89%).

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành 1.300 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ, HAGL bất ngờ thông báo hủy để cập nhật lại danh sách do có sai sót trong quá trình trao đổi thông tin, cần sửa đổi, điều chỉnh.

Như vậy, so với văn bản mà HAGL đã hủy trước đó, trong văn bản mới lần này, CTCP Chứng khoán LPBank vẫn nằm trong danh sách dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Quân Tùng mua thêm 8 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, CTCP Tập đoàn ThaiGroup đã thế chỗ CTCP Quản lý quỹ Việt Cát dự kiến mua 60 triệu cổ phiếu trước đó.

Điều đáng nói, ngay sau khi công bố thông tin lần đầu, rồi bất ngờ hủy bỏ, thị giá cổ phiếu HAG liên tục tăng 6 phiên liên tiếp. Thậm chí trong phiên 27/11, HAG còn “tạo sóng” lớn nhất thị trường với khối lượng giao dịch cao nhất toàn sàn, hơn 36,4 triệu cổ phiếu, trong bối cảnh dòng tiền èo uột, nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng khiến thị trường giảm điểm mạnh. Phiên này cũng đánh dấu lần đầu tiên cổ phiếu HAG vượt mốc 10.000 đồng/cp trong suốt hơn một năm qua.

Cũng cần phải nhắc lại, trong lịch sử hoạt động, HAGL liên tục tạo ra các “câu chuyện kỳ vọng” cho nhà đầu tư. Gần đây nhất, công ty vừa thông báo ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).

Câu chuyện hợp tác toàn diện với LPBank mới ở giai đoạn khởi đầu. Ngoại trừ việc đổi tên Học viện và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (gắn thêm thương hiệu LPBank), đến nay chưa có thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng hay khoản vay cụ thể nào được hai bên chia sẻ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đó, trên thị trường, sau giai đoạn điều chỉnh cùng thị trường chung từ đầu tháng 9/2023, từ ngày 18/10 - 14/11/2023, cổ phiếu HAG đã ghi nhận mức tăng 16,9%, từ 7.700 đồng/cp lên 9.000 đồng/cp, tiệm cận vùng đỉnh xác lập trong tháng 8/2023.

Chốt phiên ngày 30/11, cổ phiếu HAG dừng ở mức 11.150 đồng/cp, tăng gần 45% so với đầu tháng 9.

Dấu hỏi về “sức khỏe” doanh nghiệp

Tuy nhiên, cổ phiếu HAG đang ở trong diện cảnh báo vì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/6 của HAGL vẫn là con số âm.

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính bán niên tại thời điểm 30/6/2023, tổng số lỗ luỹ kế của HAGL lên tới 2.959,5 tỷ đồng; nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 2.004 tỷ đồng.

Cùng với một số vấn đề khác trong báo cáo tài chính, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam – đơn vị thực hiện báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023 của HAGL đã đưa ra nhiều vấn đề đáng lưu ý và nhấn mạnh có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của Công ty HAGL.

Còn theo báo cáo tài chính quý III/2023, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 1.889,35 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 324,55 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động khác tăng đột biến.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 679 tỷ đồng, giảm 80,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 710 tỷ đồng, giảm 20,4%.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù có lãi trong 9 tháng đầu năm 2023 nhưng tới thời điểm 30/9/2023, HAGL vẫn còn ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 2.640,6 tỷ đồng, bằng 28,5% vốn điều lệ (vốn điều lệ 9.274,7 tỷ đồng).

Tháng 10 vừa qua, HAGL gây chú ý khi công bố doanh thu đạt 711 tỷ đồng, tăng 52,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 244 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu ngành cây ăn trái ghi nhận 410 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng doanh thu; doanh thu ngành chăn nuôi ghi nhận 198 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng doanh thu; doanh thu ngành phụ trợ ghi nhận 103 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng doanh thu.

Về sản lượng tiêu thụ, công ty cho biết ngành chăn nuôi đạt 35.300 con heo thịt; ngành trồng chuối đạt 39.100 tấn; ngành trồng sầu riêng đạt 442 tấn.

Mặc dù công bố doanh thu tăng đột biến, nhưng HAGL lại không đề cập tới lợi nhuận, điều không xảy ra trong những báo cáo hàng tháng trước đó.

Một chuyên gia chứng khoán lưu ý, với thực trạng tài chính vẫn còn là một ẩn số, trong khi từ năm 2022 tới nay, HAGL liên tục tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhưng không thành, cũng như kế hoạch hợp tác cụ thể với LPBank chưa rõ ra sao, ngay cả khi hai bên có hợp tác thiết thực, một rủi ro lớn vẫn luôn thường trực với doanh nghiệp nông nghiệp như HAGL, đó là biến động thất thường của hàng hóa nông sản. Cú “đổ nợ” với cây cao su (vì giá mủ cao su lao dốc), chăn nuôi heo cũng thu hẹp (vì giá heo rớt mạnh) là những ví dụ tiêu biểu về rủi ro khi tham gia vào mảng nông nghiệp của doanh nghiệp này. Trái sầu riêng cũng không đứng ngoài rủi ro giá cả trồi sụt, nhất là khi phong trào trồng sầu riêng đang phát triển rất nóng.

Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc, xem xét kỹ những thông tin doanh nghiệp đưa ra trước khi "đu giá" cổ phiếu, tránh trường hợp thông tin không như kỳ vọng, cổ phiếu bất ngờ đảo chiều khiến nhà đầu tư trở tay không kịp.

Hải Giang

Các tin liên quan