Doanh nghiệp bán lẻ công nghệ và điện máy khi nào qua cơn bĩ cực?

Thời báo kinh doanh - 06/12/2023 8:28:36 SA


Nhìn từ việc CTCP Đầu tư Thế giới Di động cân nhắc đóng cửa khoảng 200 cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 4/2023, sẽ thấy những khó khăn trong ngắn hạn của các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ và điện máy vẫn còn kéo dài cho đến thời điểm cuối năm. Vậy, khi nào thì họ sẽ vượt qua cơn bĩ cực này?

Những ngày thượng tuần tháng 12/2023, thông tin về việc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cân nhắc đóng cửa khoảng 200 cửa hàng (là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận) trong quý 4/2023 đang gây sự chú ý trong dư luận. 

Mở ào ạt cửa hàng ở mọi ngóc ngách đã bão hòa

Về việc này, phía MWG cho biết sẽ tích cực triển khai hoạt động tái cấu trúc trong quý 4/2023 để tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và chủ động thích ứng trước bối cảnh kinh doanh mới với nhiều thách thức và biến động.

Thị trường bán lẻ điện thoại di động vào thời điểm cuối năm 2023 vẫn còn khó khăn và chu kỳ tiêu thụ điện thoại mới được dự đoán sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024.

Từ động thái thu hẹp hoạt động như vậy, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của MWG sẽ thấy khó khăn đang nằm ở mảng mũi nhọn của họ là mảng ICT & CE (điện thoại di động và điện máy) trong bối cảnh thị trường có biểu hiện bão hòa, sức mua thấp. 

Nhất là khi tính lũy kế trong 10 tháng của năm 2023, tổng doanh thu hai chuỗi Thế giới di động (TGDĐ) và Điện máy xanh (ĐMX) đạt 70.200 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng trực tuyến của hai chuỗi này trong 10 tháng 2023 đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. 

Riêng trong tháng 10/2023, tổng doanh thu mảng ICT & CE của TGDĐ và ĐMX đạt hơn 7,8 nghìn tỷ đồng, tuy có tăng 8% so với tháng trước đó, nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân thúc đẩy doanh thu tháng 10 chủ yếu đến từ sức nóng của iPhone 15. 

Dữ liệu của MWG cho thấy trong chuỗi TGDĐ hiện có 1.158 cửa hàng, còn chuỗi ĐMX có 2.281 cửa hàng. Từ động thái cân nhắc đóng 200 cửa hàng của MWG, nhiều ý kiến cho rằng chiến lược cạnh tranh dựa vào việc mở ào ạt cửa hàng ở mọi ngóc ngách đã bão hòa.

Bởi vì người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, hàng tiêu dùng điện tử, điện máy thật sự không thiết yếu phải mua mới trong khi máy cũ vẫn dùng tốt và giá rẻ. Với những mặt hàng này, đa phần các gia đình đều đã mua sắm cơ bản hết nên nhu cầu mua mới không đáng kể cộng với kinh tế khó khăn nên doanh số càng kém.

Thực tế cho thấy sức mua điện thoại và điện máy trong quý 4 này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Mặc dù người tiêu dùng nội địa vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn. Và với tháng 12 - tháng cuối cùng của năm 2023, dù dự báo khả quan hơn so với các tháng trước nhưng khó kỳ vọng tăng mạnh như những năm trước do sức mua thị trường yếu.

Không riêng gì cơn bĩ cực của MWG, đây cũng là tình trạng chung của các nhà bán lẻ công nghệ và điện máy ở Việt Nam hiện nay dẫn đến sụt giảm doanh thu, lợi nhuận. Như CTCP Thế giới số (DGW) với mảng ICT và CE chiếm hơn 77% doanh thu, hồi tháng 11/2023, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BSC đã dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm 2023 với doanh thu thuần là 19.685 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 412 tỷ đồng (giảm đến 40%).

Giới phân tích lưu ý rủi ro của DGW từ nhu cầu tiếp tục suy yếu và biên lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng, mặc dù nhà bán lẻ này đã chứng minh năng lực bảo vệ lợi nhuận trong các tháng qua vượt trội hơn so với các DN trong ngành bán lẻ công nghệ và điện máy.

Linh động vượt khó ngắn hạn để đi đường dài

Nhìn lại 11 tháng qua của năm 2023 có thể thấy, khó khăn chủ yếu của các nhà bán lẻ công nghệ và điện máy là sức mua yếu, tồn kho lớn, cạnh tranh gay gắt, chịu ảnh hưởng từ rủi ro lạm phát gia tăng, biến động tỷ giá, suy thoái kinh tế.

Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, trước đây đã từng dự đoán quý 4/2023 cho đến quý 1/2024 sẽ là thời điểm có nhu cầu lớn về sản phẩm điện thoại vì chu kỳ thay thế điện thoại mới là khoảng hai năm. Tuy nhiên, do niềm tin của người tiêu dùng phục hồi chậm, người tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian hơn để mua điện thoại mới.

Điều này khiến cho một nhà bán lẻ lớn trong mảng ICT & CE như MWG cũng khó thoát khỏi khủng hoảng. Đó là lý do mà trên thị trường chứng khoán, khối ngoại đã “quay lưng” khi bán ròng cổ phiếu MWG 6 tháng liên tiếp trên kênh giao dịch khớp lệnh, với quy mô tăng liên tục những tháng gần đây. Tính tới hết tháng 11/2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 76 triệu cổ phiếu của MWG qua kênh khớp lệnh, trong 6 tháng liên tiếp.

Cần để ý, tình hình kinh doanh sa sút của MWG đã phản ánh thị trường bán lẻ công nghệ và điện máy đã phục hồi chậm trong giai đoạn cuối năm này. Vì thế, áp lực bán ra của khối ngoại bắt đầu tăng mạnh hai tháng gần đây, thời điểm MWG công bố kết quả kinh doanh sụt giảm và giá cổ phiếu cũng lao dốc.

Từ những vấn đề nêu trên, câu hỏi đặt ra là khi nào các nhà bán lẻ công nghệ và điện máy có thể qua được cơn bĩ cực ? 

Riêng với mảng điện thoại di động, Bộ phận phân tích của VnDirect cho rằng chu kỳ tiêu thụ điện thoại mới được cho là sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024, khi các mẫu điện thoại mới ra mắt và nền kinh tế dần phục hồi tốt hơn.

Các nhà bán lẻ điện thoại di động vẫn hy vọng sau những khó khăn của năm 2023, khi bước sang năm 2024, với xu hướng tắt sóng 2G, 3G và những cải tiến công nghệ được hỗ trợ bởi dư địa tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng, cũng như kỳ vọng Apple nâng hạng thị trường Việt Nam, sẽ góp phần giúp cho thị trường tiêu thụ điện thoại di động sẽ khởi sắc hơn. 

Còn với ngành hàng bán lẻ ở hai mảng ICT & CE nói chung, sau khi giảm mạnh vào năm 2023, giới phân tích dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại trong giai đoạn 2024-2025. Nhưng, phải tới năm 2025, doanh thu của 2 mảng ICT & CE mới có thể sẽ dần quay trở lại mức của năm 2022 – mức đỉnh điểm tiêu dùng sau đại dịch.

Nhìn chung, thị trường công nghệ và điện máy ở Việt Nam vẫn đang là thị trường đầy thách thức dù cho khó khăn trong ngắn hạn. Nhưng nếu nhìn về dài hạn thì dư địa tăng trưởng cho các nhà bán lẻ ở lĩnh vực này vẫn còn đó. Bởi lẽ đây là thị trường có dân số trẻ trên 100 triệu người (trong đó 70% dưới 35 tuổi), dân số thành thạo về công nghệ cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. 

Điều này sẽ kích thích nhu cầu về nhiều loại sản phẩm từ mặt hàng công nghệ cho đến điện máy một khi nền kinh tế phục hồi. Quan trọng là các nhà bán lẻ công nghệ và điện máy cần phải có những chiến lược và hành động phù hợp, linh động vượt khó trong ngắn hạn để có thể bắt lại nhịp hồi phục nhằm bước đi đường dài. 

 Thế Vinh

Các tin liên quan