Thương hiệu VietABank và hành trình tới “B2 triển vọng phát triển ổn định”

Thương hiệu và Công luận - 15/12/2023 6:50:00 SA


Sau khi Thương hiệu và Công luận đăng tải bài viết: “Hành trình xây dựng thương hiệu VietABank - Ngân hàng TMCP Việt Á” ngày 11/08/2023, liên quan đến hành trình xây dựng, phát triển thương hiệu đã nhận được nhiều phản hồi. Trong đó, vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đầu tư và tài chính của thương hiệu VietABank được khách hàng, người tiêu dùng quan tâm.
 
Thời gian qua,thương hiệu VietABank - thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) đã giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn; các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định của Chính phủ và vi phạm quy định về điều kiện vay vốn của Ngân hàng Nhà nước.
 
Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ rõ: VietABank chưa phân loại nợ đúng theo quy định với một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland (Vicoland Group) – cũng là "khách hàng" lớn nhất của VietABank.
 
Trong quý III/2023, VietABank ghi nhận doanh thu “sụt giảm” 56%, chi phí dự phòng rủi do tín dụng “tăng vọt” 128% khiến lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đi xuống giảm 67% trong quý III và giảm 27% sau 9 tháng đầu năm 2023. Dòng tiền trong kỳ âm 9.534,5 tỷ đồng…
 
Điều lo ngại là chất lượng nợ vay của VietABank có chiều hướng “đi lùi” tăng 18%, đạt 1.129 tỷ đồng (trong đó, hơn 96% nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu) của VietABank là nợ có khả năng mất vốn - chiếm 1.087 tỷ đồng),..
 
Lợi nhuận giảm 67%, hơn 1.087 tỷ đồng có nguy cơ biến mất
 
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2023. Kết quả cho thấy, quý này, thu nhập lãi thuần của VietABank giảm 56% đạt 142 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong kỳ, các mảng hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh của nhà băng này đều giảm mạnh.
 
Điểm sáng trong bức tranh tài chính quý này là chứng khoán đầu tư tăng gấp 60 lần đạt 131 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 2,1 tỷ đồng) và mảng hoạt động khác tăng nhẹ lên 37,4 tỷ đồng.
 
Qúy III/2023, VietABank cũng trích lập 43 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 128%), chi phí hoạt động tăng 21% lên mức 226 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, VietABank báo lãi trước thuế giảm 67%, đạt 63 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 63% (đạt 55,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi trước thuế thấp nhất kể từ quý III/2020.
 
 
 
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietABank có thu nhập từ việc cho vay khách hàng tăng 60% lên mức 6.410 tỷ đồng. Thế nhưng, nhà băng này phải chi trả lãi tiền gửi khách hàng tăng 77,3% ghi nhận âm 5.390 tỷ đồng khiến thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi giảm 3,6% chỉ đạt 1.020 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
 
Tính đến ngày 30/09/2023, tổng tài sản VietABank đạt 104.023 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% sau 9 tháng. Trong đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác đạt 11.834 tỷ đồng, giảm 46%; tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh 77%, về còn 4.923 tỷ đồng. 
 
Điều quan tâm là chất lượng nợ vay của VietABank có chiều hướng “đi lùi”, khi tổng nợ khó thanh khoản (có thể gọi là nợ xấu) tại thời điểm 30/09/2023 đạt 1.129 tỷ đồng (tăng 171,7 tỷ đồng - tương đương tăng 18%) so với hồi đầu năm 2023.
 
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm 83,6% chỉ còn 2,3 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 32% đạt 39,9 tỷ đồng. Đáng chú ý là, hơn 96,3% nợ xấu của VietABank là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), chiếm 1.087 tỷ đồng so với tổng dư nợ. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của VietABank tăng từ 1,53% hồi đầu năm lên mức 1,69% tại thời điểm 30/09/2023.
 
 
 
 
Theo báo cáo của VietABank, tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay của VietABank là 38.770 tỷ đồng, nợ xấu là 525,7 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đến thời điểm 30/06/2018, tổng dư nợ cho vay là 37.673 tỷ đồng, nợ xấu là 941 tỷ đồng (tăng 415,3 tỷ đồng) chiếm 2,5% tổng dư nợ, nếu tính cả bán nợ cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 8,2% tương ứng 3.504 tỷ đồng.
 
Các chỉ số trên BCTC những năm gần đây của VietABank cho thấy, tại BCTC Kiểm toán năm 2020: Nợ xấu của VietABank cuối năm 2019 đạt 504,7 tỷ đồng trên tổng dư nợ 42.623,7 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,18% và năm 2020 đạt 978,1 tỷ đồng trên tổng dư nợ 48.378,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,02%. Năm 2021, dư nợ xấu của VietABank đạt 1.027,9 tỷ đồng trên tổng dư nợ 54.458,7 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,88%. Năm 2022, dư nợ xấu của VietABank đạt 957,3 tỷ đồng trên tổng dư nợ 62.508 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,53%.
 
 
 
Nhìn vào bức tranh tài chính nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Việt Á giai đoạn 2019- tháng 09/2023 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu thời điểm cao nhất cũng chỉ 2,5% - tức luôn trong ngưỡng an toàn.
 
VietABank bị Thanh tra Chính phủ kết luận phân loại nợ chưa đúng quy định
 
Ngày 15/06/2023, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 - 2017. Một trong các ngân hàng bị chỉ ra nhiều sai phạm là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), trong đó có sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland (Vicoland Group).
 
Cụ thể, VietABank đã phân loại nợ chưa đúng quy định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro (gồm 02 khách hàng: Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển nhà Vicoland, Công ty cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng); cơ cấu nợ không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (Công ty cổ phần đầu tư Toàn cầu). Lẽ ra VietABank phải chuyển nhóm nợ của Vicoland Group sang nhóm nợ xấu, thay vì giữ ở nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn).
 
 
 
Đáng chú ý, dự án Mediterraneo Resort (Huyền Thoại Địa Trung Hải - Tài sản bảo đảm của Vicoland) được khởi công vào năm 2016, Vicoland Group cùng với Việt Phương Group của đại gia Phương Hữu Việt đã sát cánh để chung sức phát triển dự án này.
 
Theo tìm hiểu của Thương hiệu & Công luận, ông Phương Hữu Việt từng giữ chức Chủ tịch VietABank từ tháng 09/2011 đến tháng 09/2021, như vậy ông đã có 10 năm giữ “ghế nóng”. Điều này có liên quan gì đến việc VietABank phân loại nợ không đúng quy định đối với Vicoland?
 
Theo báo cáo của VietABank, mãi đến thời điểm 30/11/2020, khoản nợ của Vicoland Group mới được VietABank chuyển sang nhóm 3 và phải đến gần 1 năm sau (ngày 31/10/2021), Ngân hàng ghi nhận dư nợ 500 tỷ đồng của doanh nghiệp này ở nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn) khiến số tiền trích lập dự phòng rủi ro không hề nhỏ.
 
Tính đến ngày 30/06/2023 (thời điểm có kết luận của Thanh tra Chính phủ), dư nợ cho vay của VietABank đạt 66.669 tỷ đồng, trong đó dư nợ xấu chiếm 1.660 tỷ đồng (728,8 tỷ đồng là nợ nhóm 4 và 923 tỷ đồng nợ nhóm 5). Có thể thấy, khoản nợ xấu của Vicoland Group đang chiếm đến 54% tổng nợ nhóm 5 – có thể nói đây cũng là con nợ lớn nhất của VietABank. Cần chú ý, nợ nhóm 4 của VietABank so với đầu năm 2023 đã tăng mạnh 24 lần từ 30 tỷ đồng lên 728,8 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến tại thời điểm khép lại quý II/2023 tỷ lệ nợ xấu của VietABank nhảy từ 1,53% lên 2,5%. Nợ xấu tăng mạnh cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
 
 
 
 
Xét về dòng tiền, tại thời điểm 30/9/2023, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của VietABank âm hơn 9.535 tỷ đồng (cùng kỳ âm 15.127 tỷ đồng). Nguyên nhân đến từ việc dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VietABank âm hơn 9.532 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 15.120 tỷ đồng). Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng ghi nhận âm hơn 2,4 tỷ đồng (cùng kỳ âm 7,8 tỷ đồng).
 
Tại ngày 01/01/2020, VietABank ghi nhận 2.320,8 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản (VAMC) phát hành, và đơn vị đã trích lập hơn 822,9 tỷ đồng cho dự phòng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2020 Ngân hàng TMCP Việt Á đã “sạch” nợ xấu tại VAMC. Từ đó cho đến ngày 30/09/2023 nhà băng này không xuất hiện nợ xấu tại VAMC.
 
 
 
VietABank cho vay sai mục đích, không đủ điều kiện thực hiện dự án?
 
Cũng tại kết luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm khi kiểm tra 14 hồ sơ cấp tín dụng trong giai đoạn 2013 – 2017 của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
 
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ thì, VietABank thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án (với khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại HSTC); Thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác (gồm 02 khách hàng: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư PHD) và Thu thập không đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay (với khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại HSTC).
 
 
 
Ngoài ra, VietABank còn cho khách hàng vay góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn; các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định của Chính phủ và vi phạm quy định về điều kiện vay vốn của Ngân hàng Nhà nước.
 
Như vậy, những sai phạm trong hoạt động cho vay, tỷ lệ nợ xấu tăng và nguy cơ mất vốn cả nghìn tỷ đồng tại VietABank làm khách hàng, người tiêu dùng dịch vụ tài chính, tiền tệ đang đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực, chất lượng thẩm định và quy trình tín dụng tại VietABank.
 
Chúng tôi thực hiện bài viết này với mong muốn thương hiệu VietABank luôn là thương hiệu mang lại những sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngày càng phát triển bền vững.
 
Thương hiệu VietABank thuộc Ngân hàng TMCP Việt Á, được thành lập vào tháng 07/2003, có trụ sở chính tại Toà nhà Samsora Premier, số 105 đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội do ông Phương Thành Long làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Văn Trọng giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc.
 
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tháng 04/2023 của VietABank, đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị và Ban Kiểm sát (BKS) nhiệm kỳ 2023-2028. Danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới ngoài ông Phương Thành Long (Chủ tịch) còn có 04 thành viên khác là các ông Phan Văn Tới, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hồng Hải và Lê Hồng Phương (ông Phương là nhân sự mới tham gia HĐQT). Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ mới không còn sự tham gia của ông Phương Hữu Việt và ông Nguyễn Văn Trọng (Quyền TGĐ VietABank).
 
Ông Phương Hữu Việt (SN 1964) là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group), đồng thời là cổ đông lớn tại VietABank. Ông tham gia HĐQT VietABank từ năm 2011 và giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ đó đến năm 2021. Sau khi ông Phương Hữu Việt rời ghế Chủ tịch Ngân hàng VietABank, cháu ruột ông Việt là ông Phương Thành Long (SN 1983) được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhà băng từ đó đến nay.
 
 
 
Tìm hiểu được biết, ông Phương Thành Long, Chủ tịch HĐQT ngân hàng không sở hữu cổ phần VietABank. Tuy nhiên, mẹ ruột ông Long - Lương Thị Linh nắm giữ 1,28 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng 0,24% vốn ngân hàng. Ông Phương Hữu Việt (em trai ông Phương Hữu Lĩnh - bố ruột ông Phương Thành Long), sở hữu hơn 24,5 triệu cổ phiếu VAB, tức 4,55% vốn ngân hàng.
 
Trải qua 20 năm hoạt động, VietABank đã và đang từng bước xây dựng và phát triển vững mạnh, đạt nhiều thành tựu và dần khẳng định vị thế là đơn vị tài chính tiên phong. Tháng 01/2023, Moody's - một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới công bố xếp hạng tín nhiệm B2 và đánh giá triển vọng ổn định cho Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). Đây là năm thứ hai liên tiếp Moody’s duy trì đánh giá tín nhiệm mức B2 đối với VietABank.
 
Trong một diễn biến khác, tại phiên thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tháng 06/2023, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đánh giá: Tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay "sân sau"... trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không hề mang đúng bản chất là "công ty đại chúng và niêm yết chứng khoán" như quy định pháp luật hiện hành, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn rất khó vạch tên, chỉ mặt.
 
“Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống do làm gia tăng một số rủi ro chính. Rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cháu). Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng, cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
 
Sở hữu chéo ngân hàng đang bị biến tướng với nhiều "chiêu trò" ngày một tinh vi hơn. Vấn đề này lại càng nóng lên khi “đại án” SCB – Vạn Thịnh Phát được phanh phui. Kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an thể hiện, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD - Theo thông tin từ các cơ quan báo chí thông tin).
 
Từ vụ việc này cũng cho chúng ta thấy vi phạm trong sở hữu chéo, cho vay "sân sau" của ngân hàng vẫn còn phức tạp. Đây là một thách thức rất lớn với cơ quan quản lý trong bài toán chống chi phối hoạt động ngân hàng. Vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến và tranh luận tại nghị trường Quốc hội chiều 23/11 khi thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
 
Minh An

Các tin liên quan