DPR: Chuyển đổi xanh đồng bộ và hiệu quả

Tạp chí Cao su Việt Nam - 22/12/2023 9:00:00 SA


Đầu tư chiến lược xanh để phát triển bền vững, Công ty CPCS Đồng Phú đang duy trì và áp dụng hiệu quả chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC cho vườn cây và chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC cho nhà máy. 4 năm liên tục (2019 – 2022), công ty được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chứng nhận thuộc Top 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững.
 
 
Công ty quản lý bảo vệ rừng khoanh nuôi và hành lang bảo vệ suối
 
100% diện tích cao su chứng nhận bền vững
 
Cao su Đồng Phú có vườn cây trải dài trên địa bàn huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông. Thời gian qua, công ty thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững trên cả ba phương diện kinh tế, môi trường và xã hội. Công ty duy trì quản lý rừng bền vững theo Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS/PEFC-FM) với diện tích 10.154,22 ha thuộc 6 nông trường: Thuận Phú (1.763,91 ha), Tân Thành (1.560,27 ha), Tân Hưng (1.548,5 ha), An Bình (1.751,8 ha), Tân Lập (2.444,44 ha), Đồng Phú – Đăk Nông (1.085,3 ha). Quản lý bảo vệ rừng khoanh nuôi 104,95 ha; có các khu vực quy hoạch hành lang bảo vệ suối 165,57 ha (trong đó, 155,56 ha ở NT Tân Hưng; 10,01 ha ở NT An Bình). Ngoài ra còn bảo vệ quản lý, hạn chế khai thác các khu vực đường lô.
 
Ông Hồ Cường – TGĐ Cao su Đồng Phú, cho biết, hàng năm, Ban chỉ đạo phát triển bền vững công ty đề ra mục tiêu cụ thể. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật do Tập đoàn ban hành. Liên kết với các đơn vị nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam để áp dụng việc chọn lọc giống, chăm sóc và khai thác. Nhờ vậy, 18 năm liên tục đạt năng suất vườn cây trên 2 tấn/ha. Công ty thực hiện trồng xen canh các loại cây ngắn ngày trong vườn cây KTCB nhằm tăng nguồn thu, tiết kiệm công chăm sóc, giảm lượng hóa chất bảo vệ thực vật tại vườn cây… Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục cấm của FSC List of ‘highly hazardous’ pesticides FSC-STD-30-001a EN;
 
Danh mục các hóa chất độc hại IA, IB của WHO; Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.
 
Công ty hiện có hơn 2.200 CB.CNV LĐ, trong đó, lao động nữ 998 người, lao động đồng bào dân tộc thiểu số 644 người. Công ty luôn đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân. Phát triển SXKD luôn đảm bảo rằng người dân trong vùng và khu vực lân cận được hưởng lợi từ hoạt động sản xuất của công ty, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống con người về văn hóa, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.
 
Nhiều giải pháp sáng tạo cho kinh tế xanh
 
Cao su Đồng Phú đã được chứng nhận và duy trì hệ thống ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC ST 2002:2020. Công ty có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 19.500 tấn/năm gồm 3 chủng loại sản phẩm: 10.000 tấn mủ khối (SVR CV 50/60, SVR 3L, SVR 10), 6.500 tấn mủ ly tâm (HA, LA), 3.000 tấn mủ tờ (RSS 3/5).
 
Công ty đã triển khai công nghệ chuyển đổi sang kinh tế xanh để định vị sản phẩm xanh, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Thực hiện quy trình sản xuất sạch hơn, sản xuất ít chất thải hơn, thu hồi được các sản phẩm phụ có giá trị, cải thiện hiệu suất môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí tổng thể. Cụ thể, tại dây chuyền chế biến mủ khối, công đoạn sấy được công ty chuyển đổi từ sử dụng dầu DO sang phụ phẩm nông nghiệp Biomass (tro trấu, mạt cưa…) nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải tạo hiệu ứng nhà kính, đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm. Tại dây chuyền chế biến mủ ly tâm, áp dụng hệ thống Spillway nhằm làm giảm lượng NH3, không sử dụng các loại acid mạnh để đánh đông, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm. Tại dây chuyền chế biến mủ tờ, tuần hoàn nước thải trong dây chuyền sản xuất nhằm giảm định mức nước sử dụng, hạn chế lượng nước thải phát sinh.
 
Công ty đặc biệt chú trọng hoạt động quản lý môi trường. Các hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy hoạt động đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu cao nhất của Quy chuẩn cho nước thải sơ chế cao su thiên nhiên. Ưu tiên việc sử dụng các phương pháp sinh học tự nhiên, giảm sử dụng hóa chất trong hoạt động xử lý nước thải. Công ty cũng đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo dõi chất lượng nước thải đầu ra, đồng thời truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
 
Ngoài ra, do quá trình hình thành của công ty gắn liền với khu vực dân cư xung quanh, công ty ưu tiên tuyển dụng nguồn lao động tại chỗ, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, hỗ trợ công tác an ninh trật tự trên địa bàn và các hoạt động đoàn thể. Công ty cũng tạo điều kiện cho lao động người đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, trường học mẫu giáo cho con em NLĐ tại các địa bàn xa.
 
 
Cao su Đồng Phú thực hiện xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất
 
Chuyển đổi xanh từ kinh tế tuần hoàn
 
Cao su Đồng Phú thực hiện kinh tế tuần hoàn tập trung vào sử dụng vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước và quản lý nước thải cũng như giảm thiểu phát thải chất thải nguy hại… Qua đó, giảm chi phí vận hành kinh doanh theo phương thức sản xuất xanh bền vững, đảm bảo đa dạng sinh học và cải thiện hiệu quả sử dụng đất trong dài hạn.
 
Chuyển đổi sang kinh tế xanh giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo đơn hàng ổn định. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu vì thiếu tiêu chuẩn kinh tế xanh, sản phẩm nệm của Công ty CPCS Kỹ thuật Đồng Phú (công ty con của Cao su Đồng Phú) xuất khẩu đi thị trường nước ngoài khá tốt. Ông Đàm Duy Thảo – TGĐ Nệm Đồng Phú cho biết: “Điều này nhờ vào đầu tư dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại cũng như nguồn nguyên liệu cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững từ Công ty mẹ cung cấp. Quan trọng hơn cả là việc sử dụng các dăm gỗ cao su, thứ bị loại thải trong quá trình chế biến gỗ cao su để đưa vào làm nguyên liệu đốt lò hơi đã giúp giảm chi phí và thu hút được các khách hàng quan tâm đến phát triển môi trường bền vững”.
 
Theo ông Đàm Duy Thảo, kinh tế tuần hoàn được xem là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Do đó, việc sử dụng dăm gỗ cao su là cách biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp một phần cho mục tiêu chung Net Zero của Việt Nam.
 
Trong thời gian tới, Cao su Đồng Phú tiếp tục thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững của công ty, duy trì công tác thực hiện chứng chỉ rừng (FM) và chuỗi hành trình sản phẩm (CoC). Tiếp tục thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
 

Các tin liên quan