Giá vàng hạ nhiệt rồi lại tăng vọt, Tổng cục Thống kê chỉ rõ lý do

Thời báo kinh doanh - 29/03/2024 3:20:34 CH


Giá vàng trong nước bình quân quý I năm nay tăng 18,23% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tác động từ giá thế giới và các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.

Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giá vàng tăng, nguyên nhân và dự báo thời gian tới, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thông tin: Giá vàng trong nước bình quân quý I năm nay tăng 18,23% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2024. 

Nguyên nhân là do giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Ngày hôm qua (28/3), giá vàng lại lập đỉnh mới. Thêm vào đó, nguyên nhân khác là do lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường bất động sản không ổn định, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hoài nghi, làm giá vàng trong nước tăng.

Bà Oanh nhìn nhận, giá vàng tăng liên tục gây hệ luỵ đến nền kinh tế, nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, với mục tiêu đa dạng danh mục sinh lợi nhuận, khiến nền kinh tế đang khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất.

“Lượng tiền lớn không được đưa vào sản xuất kinh doanh, điều này khiến chính sách phục hồi kinh tế đang trở nên khó khăn hơn”, bà Oanh nói.

Trong phiên giao dịch sáng nay (29/3), giá vàng SJC lên mức 81,4 triệu đồng/lượng (bán ra), sau hơn một tiếng lại được điều chỉnh giảm về 81 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, mỗi lượng vàng nhẫn sáng nay tăng mạnh 800.000 đồng, lập đỉnh mới hơn 71 triệu đồng.

Nhìn nhận về tỷ giá, theo bà Oanh, tỷ giá còn biến động, trong khi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trì hoãn hạ lãi suất điều hành làm USD tăng và duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó là khoảng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở mức âm, lãi suất VND vẫn thấp hơn lãi suất đồng USD và nhu cầu ngoại tệ lớn phục vụ nhu cầu sản xuất.

Bà Oanh cho biết, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm dần vì nhiều tổ chức dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất từ giữa năm nay. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, giảm bớt áp lực trong ngắn hạn với tỷ giá.

Đề cập đến vấn đề tăng lương và tác động đến lạm phát, đại điện Tổng cục Thống kê cho rằng tăng lương kéo theo giá hàng hoá khác như lương thực, thực phẩm cũng tăng theo.

“Cần theo dõi sát diễn biến hàng hoá thiết yếu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Đảm bảo khi tăng lương không kéo theo tăng giá bất hợp lý”, bà Oanh nêu.

Thy Lê 

Các tin liên quan