Thấy gì từ bức tranh ngành bán lẻ đang chuyển mình mạnh mẽ?

Thời báo kinh doanh - 12/04/2024 9:06:18 SA


Thông qua báo cáo vừa cập nhật từ Q&Me và những động thái mới diễn ra sẽ thấy, bức tranh ngành bán lẻ ở Việt Nam đang tiếp tục có những thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ. Từ đó rất cần các nhà bán lẻ nội địa tính toán chiến lược và mô hình kinh doanh của mình một cách phù hợp giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng trực diện.

Trong báo cáo về xu hướng cửa hàng bán lẻ Việt Nam (thương mại hiện đại) được Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cập nhật vào tháng 4/2024 cho thấy, thị trường ngành bán lẻ Việt đã thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ.

Có tăng, có giảm và... hút vốn

Theo đó, dựa trên thống kê mới nhất về số lượng các cửa hàng của các thương hiệu chính trong ngành hàng bán lẻ Việt, sẽ thấy số lượng chuỗi nhà thuốc tăng vọt lên hơn 3.200 vào năm 2024. Điều này nhờ sự tăng trưởng và mở rộng của chuỗi nhà thuốc Long Châu (thuộc CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT), trong khi Pharmacity giảm số cửa hàng trong năm vừa qua. 

Thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang tiếp tục thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ, đang cần các DN nội địa tính toán chiến lược và mô hình kinh doanh một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, theo Q&Me, chuỗi cửa hàng cà phê, đồ ăn nhanh tăng trưởng hơn 10%. Quá trình mở rộng hệ thống các cửa hàng cà phê và đồ ăn nhanh diễn ra mạnh mẽ tại các thành phố nhỏ. Còn các thương hiệu cửa hàng tiện lợi (CVS), siêu thị mini đã tái đầu tư tại Việt Nam để tăng số lượng cửa hàng. Các thương hiệu bao gồm GS25, MiniStop, Seven Eleven và Co.op Food đều đã tăng số lượng các cửa hàng.

Riêng đối với chuỗi bán lẻ của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), phía Q&Me cho biết số lượng chuỗi nhà thuốc của họ tăng lên, trong khi số lượng cửa hàng điện tử/công nghệ thông tin và chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi lại giảm đi.

Ngoài báo cáo nêu trên, những động thái mới đây của các nhà bán lẻ lớn thuộc khối nội cũng đang cho thấy có sự chuyển mình. Điển hình như việc trong tháng 4/2024 quỹ đầu tư của Trung Quốc là CDH Investments thông báo đã hoàn thành thương vụ mua cổ phần thiểu số (5%) tại chuỗi cửa hàng tạp hoá Bách Hoá Xanh (BHX) - đơn vị thuộc nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam là MWG.

Trong câu chuyện bán 5% cổ phần BHX, như mục tiêu đặt ra trước đó của MWG là họ cần có nhà đầu tư mới để cấp vốn cho BHX nhằm tài trợ vốn lưu động, mở mới, cũng như nâng cấp logistics và kho bãi.

Giới quan sát cho rằng số tiền thu được từ việc huy động vốn ban đầu của BHX sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc tăng vốn lưu động tương ứng với mức tăng doanh thu dự kiến. Sau khi chuỗi đạt mức hòa vốn (dự kiến trong nửa đầu năm 2024), MWG có thể sẽ sử dụng vốn để mở mới và nâng cấp kho bãi, logistics.

Như kỳ vọng từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI, chuỗi BHX sẽ đạt mức hòa vốn trong nửa đầu năm 2024, do đó tạo điều kiện cho việc mở mới từ nửa cuối năm 2024. Doanh thu của chuỗi cửa hàng bách hóa BHX dự kiến tăng 20% so với năm 2023. Doanh thu tăng chủ yếu nhờ doanh thu của các cửa hàng hiện hữu tăng lên, và một phần nhỏ từ mở mới cửa hàng.

Nhân việc rót vốn của quỹ đầu tư ngoại vào BHX, qua trao đổi với VnBusiness, luật sư Đào Tiến Phong (Công ty Tư vấn InvestPush) cho biết các nhà đầu tư của Trung Quốc và những nhà đầu tư nước ngoài khác đang quan tâm đến một số thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trên thị trường bán lẻ Việt Nam vốn đang rất sôi động. 

Theo ông Phong, trong quá trình bán một phần cổ phần, một số nhà bán lẻ Việt có thể tự định giá rất cao. Thế nhưng, khi họ định giá cao thì các nhà đầu tư thuộc khối ngoại cũng sẽ đặt ra yêu cầu cao lên trong báo cáo tài chính và trong các bảng cân đối kế toán của phía nhà bán lẻ.

Cần tính toán chiến lược phù hợp

Ngoài xu thế M&A như vậy, điều không thể thiếu trong “bức tranh” của ngành bán lẻ Việt là mức độ cạnh tranh tiếp tục theo chiều hướng gay gắt và trực diện hơn nữa. 

Điều này có thể thấy rõ như động thái mới của FPT Shop trong tháng 4 này, sau khi thử nghiệm từ từ hai năm trước, thì nay đã chính thức bước vào thị trường phân phối sản phẩm điện máy. Như hiện tại, họ đang tăng tốc bán tivi, tủ lạnh, máy giặt,..., được cho là cạnh tranh trực diện với chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh thuộc MWG.

Mặc dù cạnh tranh trực diện nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng doanh thu của các nhà bán lẻ điện máy và điện thoại sẽ phục hồi 5% trong năm 2024 sau khi giảm mạnh khoảng 20-25% hồi năm 2023. Tuy nhiên, theo SSI, các nhà bán lẻ điện thoại và điện máy có thể phải duy trì chiến lược giá cạnh tranh và biên lợi nhuận tại các nhà bán lẻ điện thoại và điện máy trong năm 2024 có thể không quay trở lại được mức như năm 2022.

Còn với chuỗi sản phẩm thiết yếu (bách hóa và dược phẩm), các chuyên gia phân tích cho rằng thời gian tới những chuỗi có lợi nhuận sẽ được đẩy mạnh mở mới (như trường hợp Long Châu) để giành thị phần, trong khi các đối thủ cạnh tranh lại đang sửa đổi mô hình kinh doanh của họ. 

Với trường hợp của Long Châu, giới phân tích nhận định chuỗi nhà thuốc này tận dụng chi phí vay thấp trong năm 2024 để mở rộng mạng lưới ra khu vực nông thôn. Doanh thu từ các cửa hàng có thể không cao bằng các cửa hàng ở khu vực thành thị. Mặc dù vậy, lợi nhuận của họ được cải thiện chủ yếu nhờ quy mô lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tìm nguồn cung ứng trực tiếp và sử dụng hiệu quả hơn các cơ sở kho bãi và logistics.

Trong “bức tranh” của ngành bán lẻ Việt hiện nay cũng nên đề cập thêm đến thị trường bán hàng xa xỉ. Như với mảng bán lẻ mặt hàng trang sức, giới phân tích kỳ vọng mức tiêu thụ trang sức sẽ tăng ở mức một chữ số thấp trong năm 2024, sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2023. 

Ts. Daniel Borer (Đại học RMIT) nhận định, mặc dù Việt Nam vẫn được coi là một nền kinh tế đang phát triển, nhưng các thương hiệu mỹ phẩm, đồ trang sức và thời trang xa xỉ (như Dior, Chanel, Louis Vuitton và Cartier) đang biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường mục tiêu hàng đầu tại Đông Nam Á.

Theo Ts. Borer, mặc dù có thể chưa giàu như nhiều nước châu Á khác, Việt Nam có một số lợi thế khiến nước này trở thành ngôi sao đang lên của ngành hàng xa xỉ. Không có lý do gì để lo sợ rằng Cartier, Dior và Chanel sẽ biến mất khỏi các trung tâm thương mại ở Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Chỉ cần có nhu cầu lớn, các thương hiệu cao cấp chắc chắn sẽ vẫn duy trì các cửa hàng của mình.

Nói chung, từ “bức tranh” của ngành bán lẻ Việt đang tiếp tục có sự thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ với những gam màu sinh động, rất cần các nhà bán lẻ nội địa tính toán chiến lược và mô hình kinh doanh của mình một cách phù hợp. Nhất trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng trực diện thì việc gọi vốn, sáp nhập, mua lại, mở rộng mạng lưới, hợp tác chiến lược cần được cân nhắc kỹ càng.

Thế Vinh

Link gốc

Các tin liên quan