Các nhà bán lẻ nội địa sẽ không ngần ngại ‘tăng ga’ khi thị trường thuận lợi

Thời báo kinh doanh - 02/05/2024 8:49:22 SA


Nhìn vào kết quả kinh doanh mới công bố khá khả quan trong quý 1/2024 của các doanh nghiệp nội địa hàng đầu trong ngành bán lẻ Việt như Masan, MWG, DGW, FRT sẽ thấy “bức tranh” ở ngành hàng này đang dần sáng lại sau giai đoạn ảm đạm. Và các nhà bán lẻ sẽ không ngại ngần “tăng ga” để tạo đà cho tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 mới công bố của Masan Group cho thấy The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp của Masan, hợp nhất Masan Consumer Holdings (MCH) và WinCommerce (WCM), ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 6,4% so với cùng kỳ năm trước lên mức 14.152 tỷ đồng.

Những con số khả quan

Trong đó, đối với WinCommerce, đã ghi nhận doanh thu thuần tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước lên 7.957 tỷ đồng. Chuỗi bán lẻ này tiếp tục ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng 2% so với cùng kỳ năm trước lên 24,1%. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi hoạt động mở thêm nhiều cửa hàng mới, số lượng cửa hàng tăng mạnh từ năm ngoái. 

Bức tranh thị trường bán lẻ Việt đang dần tươi sáng trở lại khi nhìn vào những con số khả quan trong kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các doanh nghiệp nội địa hàng đầu trong ngành bán lẻ.

Riêng doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings (MCH) trong quý 1/2024 tăng trưởng 7,4%, lên 6.727 tỷ đồng. Điều này là nhờ tốc độ tăng trưởng hai con số được ghi nhận ở ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc cá nhân tại nhà với mức tăng lần lượt là 10,3%, 23,4% và 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn với CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), cập nhật kinh doanh quý 1/2024 cho thấy doanh thu thuần đạt khoảng 9,042 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận trước thuế đạt 89 tỷ đồng (tăng gấp 43 lần so với cùng kỳ năm rồi). 

Trước kết quả khả quan như vậy, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS đã dự phóng doanh thu thuần của FRT trong năm 2024 có thể sẽ đạt 40.020 tỷ đồng, tăng trưởng 25,7% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 251 tỷ đồng, so với mức lỗ ròng 272 tỷ hồi năm rồi.

Đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi lợi nhuận của FRT trong năm tài chính 2024 - 2025, Bộ phận phân tích thuộc VCBS cho rằng điều này dựa trên việc FPT Shop phục hồi doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận gộp. Đó là nhờ tập trung kênh bán hàng online (kỳ vọng tăng trưởng 30% trong 2024), tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu từ ngành hàng gia dụng (từ 5% hiện tại lên 10% doanh thu thuần) và tối ưu hóa hoạt động cửa hàng không hiệu quả, dự kiến đóng 50 cửa hàng.

Ngoài ra, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT tiếp tục mở rộng 400 cửa hàng trong năm 2024, cùng với trợ lực mới từ trung tâm tiêm chủng sẽ là động lực tăng trưởng cho FRT. Theo khảo sát của VCBS, thị trường tiêm chủng này có quy mô khoảng 2,2 tỷ USD, đối thủ cạnh tranh còn ít và tiềm năng tăng trưởng cao.

Riêng với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), theo đánh giá được đưa ra gần đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, nhà bán lẻ này có kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể trong quý 1/2024 khi ghi nhận doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 31.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ Điện máy xanh (ĐMX) và Thế giới di động (TGDĐ) tăng 10%. 

MWG không chia sẻ con số lợi nhuận ròng cụ thể, tuy nhiên ban lãnh đạo cho rằng nhờ nỗ lực tiết kiệm chi phí vận hành thông qua chính sách tái cấu trúc, công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh trong quý 1 vừa qua. Đặc biệt, Bách hóa xanh (BHX) bắt đầu có lợi nhuận trong quý 1/2024.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo MWG, sức mua chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng, do đó trong năm 2024 công ty sẽ tập trung vào việc tăng trưởng thị phần và tối ưu chi phí. Thêm vào đó, cuộc chiến về giá sẽ không còn căng thẳng như trong năm 2023 và công ty sẽ đưa ra giá bán sản phẩm hợp lý hơn nhằm cải thiện doanh thu và lợi nhuận ròng.

Với chuỗi cửa hàng điện máy Era Blue (của liên doanh MWG và đối tác tại Indonesia), MWG có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối (nhiều nhất là 100 cửa hàng) trong năm 2024. Đối với ĐMX và TGDĐ, MWG không có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng trong 2-3 năm tới, thậm chí có thể đóng cửa bớt các cửa hàng kém hiệu quả để vận hành tốt hơn. Dư địa để hai chuỗi tăng doanh thu và lợi nhuận các năm tới là tập trung khai thác thêm 40% thị phần còn lại của thị trường (hiện hai chuỗi đã chiếm 50-70% thị phần tùy ngành hàng). 

Với chuỗi nhà thuốc An Khang, MWG đang trong lộ trình để thực hiện mục tiêu đạt doanh thu 550 triệu đồng/cửa hàng – điểm hòa vốn, cho đến đó thì công ty sẽ chưa có kế hoạch mở rộng nhà thuốc. Còn với BHX, hiện doanh thu và lợi nhuận ròng vẫn đi đúng hướng và ban lãnh đạo MWG tự tin sẽ tiệm cận lợi nhuận ròng vào năm 2024. Sau giao dịch bán 5% cổ phần BHX cho Quỹ đầu tư CDH Investments đến từ Trung Quốc, MWG chưa có nhu cầu thêm vốn cho BHX trong thời gian tiếp theo.

Tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài

Còn với nhà bán lẻ hàng đầu trong ngành hàng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) là CTCP Thế giới số Digiworld (DGW), kết quả kinh doanh quý 1/2024 mới công bố cho thấy đạt 4.985 tỷ đồng doanh thu và 92 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng trưởng 26% và 16% so với cùng kỳ 2023.

Tại đại hội cổ đông mới diễn ra, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT của DGW, cho biết công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 là 23.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 490 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 38% so với năm 2023.

Theo ông Việt, công ty sẽ không ngần ngại “tăng ga” khi thị trường thuận lợi. Tầm nhìn dài hạn của DGW là tăng trưởng 2 con số, trở thành công ty tỷ đô, không chỉ là doanh thu, vốn hoá hay lợi nhuận. Đó là tầm nhìn để đảm bảo công ty sẽ tìm mọi cách để tăng trưởng.

Trước những con số khả quan về doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2024 của các nhà bán lẻ nội địa nêu trên, có thể thấy “bức tranh” thị trường bán lẻ Việt đang dần sáng lại sau giai đoạn ảm đạm. Cũng nên nhắc đến nhận định mới đây của CTCP Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) về ngành bán lẻ Việt, nhất là với những DN dẫn đầu. 

Đó là 80% doanh nghiệp bán lẻ thuộc Top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 thuộc ngành bán lẻ cho biết việc đầu tư vào đổi mới sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số là những đầu tư “không hối tiếc”. Song song với thay đổi mô hình đầu tư không chỉ giúp cho họ vượt qua khủng hoảng mà còn tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài về sau. Đó cũng là tầm nhìn chiến lược mà các nhà bán lẻ nội địa đang đặt ra để bắt kịp thay đổi thói quen tiêu dùng mới.

Cũng theo Viet Research, bán lẻ thuộc số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng bởi chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Những yếu tố thuận lợi của ngành bán lẻ rất cần sự chủ động phát huy từ các nhà bán hàng để thu được hiệu quả doanh thu cao nhất.

Tin rằng với kết quả kinh doanh khả quan từ đầu năm đến nay thì các nhà bán lẻ nội địa sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch kinh doanh đầy triển vọng cho năm 2024 này với tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận. Và nói như vị chủ tịch của DGW, một khi thị trường thuận lợi thì sẽ không ngại ngần “tăng ga”.

 Thế Vinh

Link gốc

Các tin liên quan