Tại sao chỉ khách hàng lớn được mua điện không qua EVN?

Thời báo kinh doanh - 24/05/2024 3:56:50 CH


Khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh mới được mua điện trực tiếp không qua EVN. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nên định nghĩa rõ khái niệm khách hàng lớn, trong đó cần coi chủ đầu tư khu công nghiệp là một khách hàng lớn.

Nguồn năng lượng sạch là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng phát triển bền vững, do vậy cơ chế mua bán điện sạch trực tiếp được nhiều doanh nghiệp mong mỏi.

Giảm mốc sản lượng tiêu thụ để mở rộng khách hàng

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Trong đó, cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu định nghĩa rõ khách hàng lớn trong cơ chế mua bán điện trực không qua EVN. 

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương cho hay nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.

Đáng chú ý, Dự thảo quy định bên mua trong cả 2 trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết khảo sát cho thấy 24 dự án năng lượng tái tạo (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia bán điện trực tiếp; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.

Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên): Phiếu khảo sát đã gửi tới 41 khách hàng, trong đó có 20 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996MW (ước tính).

Góp ý dự thảo Nghị định trên, Sở Công Thương Yên Bái đề nghị Bộ Công Thương làm rõ hơn với các khách hàng sử dụng điện thấp hơn mức quy định sử dụng điện lớn sẽ được mua điện trực tiếp như thế nào, nhất là một số nơi tập trung nhiều các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương phản hồi, với các khách hàng sử dụng điện thấp hơn mức quy định sử dụng điện lớn sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng trung bình hàng tháng đã có trong định nghĩa khách hàng sử dụng điện lớn (hiện tại khách hàng sử dụng điện lớn lưới điện phân phối đang được định nghĩa khoản 17 Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BCT có sản lượng từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên). Tuy vậy, để mở rộng số lượng đối tượng khách hàng tham gia cơ chế, đơn vị này giảm mốc sản lượng tiêu thụ xuống mức tối thiểu 500.000 kWh/tháng.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị, với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Do đó, VCCI đề nghị mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn.

Không phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trước nhu cầu lớn về mua bán điện sạch, Bộ Công Thương nên xem xét mở rộng đối tượng được mua điện trực tiếp qua đường dây riêng. Có trường hợp khách hàng lớn dùng trên 500.000kWh/tháng đã đầu tư điện mặt trời và không có nhu cầu; trong khi những đơn vị điện khác, sản lượng tiêu thụ thấp hơn con số 500.000 kWh nhưng lại rất có nhu cầu mua điện trực tiếp.

Cũng theo một số chuyên gia, việc đưa ra quy định dùng 500.000 kWh/tháng mới được tham gia cơ chế DPPA là không cần thiết. Để có một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, vẫn phải mở rộng cho đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp, không phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ.

Đặc biệt, nếu bên phát và bên mua trực tiếp, không qua lưới của EVN thì không cần thiết phải có quy định này, bởi không ảnh hưởng tới độ an toàn của lưới điện quốc gia. “Quy định này chỉ có tác dụng khi chạy qua đường dây do Nhà nước đầu tư. Vì thế, Dự thảo Nghị định phải có sự tách bạch rõ ràng về đối tượng trong từng trường hợp để không dựng rào cản cho DN”, một DN đề nghị.

Theo Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), DPPA cần tạo độ mở và linh hoạt cho các bên tham gia, tránh đưa vào các yêu cầu kĩ thuật quá chi tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực tế. "Bên mua nên được trao quyền tự thương thảo đối với hầu hết các điều khoản trong hợp đồng mua bán. Xác định chi phí lưới điện được hạch toán rõ ràng trong một khoảng thời gian xác định" - USABC đề nghị.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có kết luận về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế DPPA. Về đối tượng áp dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát bảo đảm thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trường hợp cần thiết giới hạn về đối tượng áp dụng (quy mô nhà máy điện từ 10MW trở lên), Bộ Công Thương cần làm rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp, các cơ sở, luận chứng; nghiên cứu và làm rõ sự phù hợp khi quy định về đối tượng khách hàng có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh; đồng thời xem xét có giới hạn về công suất giữa nhà sản xuất và dịch vụ thương mại để bảo đảm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia mua bán điện, bảo đảm an toàn lưới điện, có chính sách ưu tiên, khuyến khích DN tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, DPPA là một chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Yêu cầu nghiên cứu xây dựng chính sách có độ mở, theo cơ chế thị trường; cần quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp, đồng thời quy định trách nhiệm của bên mua, bên bán, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính sách này, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, xảy ra cơ chế xin - cho.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu định nghĩa rõ khách hàng lớn, trong đó cần coi chủ đầu tư khu công nghiệp là một khách hàng lớn và cần mở rộng đối tượng khách hàng là các nhà cung cấp dịch vụ, không nên chỉ giới hạn là các nhà sản xuất.

Thy Lê - Link gốc

Các tin liên quan