VnExpress - 07/02/2017 1:20:33 CH
4 năm sau khi sai phạm cho vay vượt mức hơn 1.000 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Công ty cho thuê Tài chính II (thuộc Agribank) được chỉ ra, khoản tiền không những chưa được thu hồi mà còn nở ra gấp rưỡi.
Kết luận trên được nêu tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 và đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.
Kiểm tra và đối chiếu biên bản làm việc, thu hồi công nợ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại 2 công ty tài chính thuộc Agribank là Công ty cho thuê tài chính I và II (ALC I và ALC II), báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tình hình thu hồi nợ (cả gốc và lãi) chưa tiến triển nhiều so với kết luận chỉ ra những sai phạm công bố một năm trước đó.
Theo báo cáo này, đến cuối tháng 12/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được hết các khoản nợ gốc và lãi của ALC II, số tiền 769 tỷ đồng vốn quá hạn và 735 tỷ đồng lãi. Nguyên nhân được chỉ ra do đơn vị này không có khả năng trả nợ và hiện chờ quyết định của Thủ tướng.
Tại ALC I, do đang trong quá trình cơ cấu lại nên doanh nghiệp không có đủ nguồn thu để trả nợ, lãi. Hết năm 2015, đơn vị này mới trả được Bảo hiểm xã hội 1 tỷ đồng lãi vay, nhưng vẫn còn "treo" 26,3 tỷ đồng lãi.
Tuy đánh giá cơ bản năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đầu tư cho vay và phân bổ lãi đầu tư đúng quy định; việc đầu tư từ các quỹ đảm bảo an toàn và có tăng trưởng... song Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bảo hiểm xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đôn đốc, thu hồi khoản nợ tại Công ty cho thuê Tài chính I và II.
Bên cạnh đó, đơn vị này cần xử lý dứt điểm khoản phí trả nợ trước hạn của các ngân hàng thương mại với số tiền 52 tỷ đồng đang hạch toán trên khoản công nợ phải trả.
Liên quan tới nội dung đầu tư sai hàng nghìn tỷ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại ALC II, báo cáo kiểm toán năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh tại doanh nghiệp này, tổng dư nợ lên 1.050 tỷ đồng. Kết luận kiểm toán thời điểm đó cũng cho hay, đối chiếu với các quy định thì lúc bấy giờ Bảo hiểm xã hội VN chỉ được phép cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn. ALC II không thuộc đối tượng này nhưng vẫn được vay 1.050 tỷ đồng.
Cũng tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2015, các quỹ bảo hiểm hằng năm đều có kết dư, năm 2015 bình quân tăng 22% một năm so với cùng kỳ. Đến cuối năm 2015 số dư mua trái phiếu Chính phủ là 45.500 tỷ đồng, giảm 1,99% so với năm 2014. Bảo hiểm xã hội đã cho ngân sách Nhà nước vay 324.000 tỷ và số dư cho các ngân hàng thương mại vay gần 59.630 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm 2014. Với việc đầu tư này, Bảo hiểm xã hội thu về gần 32.500 tỷ đồng tiền lãi, trong đó hơn 32.079 tỷ lãi từ đầu tư quỹ và 396 tỷ từ lãi tài khoản chi quản lý bộ máy.
Mức lãi suất mà Bảo hiểm xã hội cho vay bình quân là 8,49% một năm, trong đó khoản vay ngắn hạn lãi suất 5,08-5,1% một năm. Còn mức lãi mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách và một số dự án thủy điện vay... là 9,04% một năm. Tuy nhiên Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết phân bổ lại lãi đầu tư vào các quỹ do Bảo hiểm xã hội trích trùng nguồn kinh phí quản lý bộ máy số tiền 108,7 tỷ đồng.
Anh Minh
Các tin liên quan
31/10/2024 'Hạn chế đầu tư trái phiếu riêng lẻ sẽ làm đứt gãy thị trường'
31/10/2024 Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam giảm 15% sau một quý
31/10/2024 Bơm vốn cho doanh nghiệp qua kết nối ngân hàng
31/10/2024 Đầu tư trái phiếu không phải may rủi, mà phải chuyên nghiệp
31/10/2024 Sở hữu chéo tại ngân hàng chưa hết nóng?
30/10/2024 Kiểm soát chi phí, ngân hàng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận
30/10/2024 Rộng mở hành lang pháp lý, nhà băng gia tăng cho vay online
29/10/2024 Hàng ngoại “xé lẻ” né thuế: Đề xuất đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ
29/10/2024 Cho vay bất động sản cao hơn tăng trưởng tín dụng nền kinh tế
29/10/2024 Hành lang pháp lý của ngành ngân hàng mở đường cho công nghệ