Ấn Độ kém xa Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam

VnExpress - 13/02/2017 8:50:18 SA


Là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, thứ 5 thế giới nhưng sức ảnh hưởng của kinh tế Ấn Độ tại Việt Nam còn kém một khoảng cách lớn người láng giềng Trung Quốc.

Trong năm 2016, có hơn 36 phái đoàn thương mại từ Ấn Độ đến TP HCM tìm cơ hội làm ăn. TP HCM là điểm đến chủ yếu khi mà hầu hết dự án của doanh nghiệp nước này đều tập trung ở miền Trung và phía Nam. Sau khi Tập đoàn Tata rút khỏi dự án thép 5 tỷ đôla năm 2014, công ty con của Tập đoàn này là Tata Power vẫn theo đuổi dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 trị giá 2,1 tỷ đôla tại Sóc Trăng. Nếu dự án này được triển khai, Ấn Độ sẽ vào top 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam.

“Hiện nay, mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được mở rộng ra khắp các lĩnh vực. Sự tập trung của chúng ta vào hợp tác kinh tế tiếp tục được phát huy như tầm nhìn đã được vạch ra bởi lãnh đạo 2 quốc gia, xác định thương mại và đầu tư là những mục tiêu chiến lược song phương”, bà Smita Pant – Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM chia sẻ trong một sự kiện gần đây.

 Hiện tại, Ấn Độ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, dệt may và công nghệ thông tin ở Việt Nam. Các tỉnh thành như Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Nai, Đăk Lăk, Long An, Bình Dương và Gia Lai là những điểm đến được yêu thích. Tuy nhiên, trên tất cả, sự nỗ lực của Ấn Độ trong việc tạo ảnh hưởng kinh tế với Việt Nam so với người láng giềng Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn.

Nếu tính riêng phần vốn FDI, Ấn Độ thậm chí còn thụt lùi trong 2 năm trở lại đây. Theo Tổng cục thống kê, năm 2015, Ấn Độ đầu tư 139 triệu đôla vào Việt Nam, xếp thứ 17 các quốc gia -  vùng lãnh thổ, trong khi Trung Quốc đầu tư 665,5 triệu đôla, xếp thứ 9. Đến 2016, Ấn Độ rơi xuống vị trí thứ 18 với tổng vốn FDI rót vào Việt Nam chưa đầy 89 triệu đôla. Trong khi đó, Trung Quốc đổ vào Việt Nam hơn 1,2 tỷ đôla, vươn lên vị trí thứ 3. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ hiện chỉ hơn 5 tỷ đôla trong khi con số này của Việt Nam – Trung Quốc gấp đến 14 lần, tức vượt 70 tỷ đôla.

Tuy nhiên, bà Smita Pant vẫn tỏ ra lạc quan khi nói về sự cạnh tranh với Trung Quốc trong việc đầu tư. “Chúng tôi vẫn có những thế mạnh riêng mà Trung Quốc không có”, bà cho biết. Với những động thái gần đây, công nghệ cao dường như là "át chủ bài" nhằm gia tăng sự hiện diện của Ấn Độ tại Việt Nam. Một số dự án trọng điểm trong khuôn khổ ASEAN - Ấn Độ đang được triển khai tại TP HCM, bao gồm việc thành lập Trung tâm Phát triển Phần mềm Cao cấp và dự án đào tạo tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông. Dự án về hợp tác không gian giữa Ấn Độ và ASEAN cũng đang trong quá trình thảo luận.

The New India Express cho hay, dòng vốn đổ ra nước ngoài của Ấn Độ đang lập đỉnh. Chỉ trong tháng 12/2016, nước này đã đầu tư ra nước ngoài gần 2,5 tỷ đôla, tăng 32% so với tháng 12/2016. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ấn Độ vẫn đang bị Trung Quốc bỏ lại xa phía sau. Nước này hiện còn chưa vào được Top 20 nền kinh tế đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất trong khi 5 quốc gia đang dẫn đầu là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan và Ireland.

“Đây có thể là con số cao nhất với 16,4 tỷ đôla vốn đầu tư trực tiếp của Ấn Độ ra nước ngoài trong hai quý vừa qua. Chúng tôi còn phải chờ thêm 2 – 3 quý nữa để xem liệu xu hướng này có tiếp tục hay không.”, Rishi Shah - chuyên gia kinh tế của Deloitte Ấn Độ nhận định.

 

Viễn Thông

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Các tin liên quan