Chuyên gia nói gì về danh sách 20 loại hàng hoá, dịch vụ nhà nước độc quyền?

BizLIVE - 14/02/2017 4:12:42 CH


Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến dự thảo Nghị định quy định hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước mới được Bộ Công Thương công bố.

Với việc công bố bản dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất đầu tiên về độc quyền nhà nước, qua đó tăng tính hiệu quả, minh bạch của quản lý nhà nước đối với với các hoạt động độc quyền.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, dự thảo nghị định cũng như Luật Thương mại năm 2005 cần được xem lại, vì không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Nguyên nhân được ông Đức chỉ ra là do, Hiến pháp năm 1980 quy định “Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài”, tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992 và 2013 không còn bất kỳ quy định nào về việc độc quyền nhà nước. Như vậy, việc duy trì độc quyền nhà nước là trái với Hiến pháp.
Ông Đức cũng cho biết, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều được nhà nước “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” theo quy định tại khoản 1, điều 5, Luật Doanh nghiệp năm 2014 như vậy, đã không còn việc phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp phi nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay nhà nước chỉ cấm các doanh nghiệp không được đầu tư kinh doanh trong 7 ngành nghề, theo quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn lại được tự do đầu tư kinh doanh hoặc khi đáp ứng được các điều kiện đối với 243 ngành, nghề theo quy định tại điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định về “doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” và thay thế bằng quy định sản phẩm, dịch vụ công ích, tức là không còn gắn với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, điều 9 về “Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Ông Đức phân tích thêm, hiện nay, “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” theo quy định tại khoản 2, điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015 như vậy, từ năm 2017 trở đi, quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật thay vì nghị định, thông tư như trước đây.

“Khác với trước đây, khi sản phẩm hàng hoá, dịch vụ độc quyền nhà nước gắn liền với nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước, hiện nay sản phẩm, hàng hoá độc quyền nhà nước vẫn có thể do các doanh nghiệp phi nhà nước đảm nhận việc sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng, thực hiện”, ông Đức nói.

Ông Trương Thanh Đức cũng cho biết thêm, quy định "thực hiện độc quyền nhà nước có thời hạn” đã được áp dụng trong suốt 12 năm qua theo Luật Thương mại, vì vậy đã đến lúc xem lại và giảm thiểu việc độc quyền này để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường...

Trong khi, theo ý kiến của ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong danh sách 20 ngành nghề, hầu hết là xác đáng, chỉ một số ngành nghề cần cân nhắc thêm như liên quan đến xuất bản dù đây là vấn đề quan trọng nhưng cần cân nhắc nếu muốn độc quyền.

Ông Hồ cũng chia sẻ thêm rằng, đứng về phía doanh nghiệp, chuyên gia nghiêng về lợi ích của doanh nghiệp sẽ cho rằng nghị định ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nhưng cần xem xét toàn diện, nếu ảnh hưởng thì ảnh hưởng ngành nào, khu vực nào…

“Với những ngành nghề không đáng độc quyền thì đừng quy định độc quyền bởi sẽ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, lợi ích của các khu vực nhà nước và tư nhân”, ông Hồ nói.

 

Danh mục 20 loại hàng hoá, dịch vụ nhà nước dự kiến độc quyền:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể)

2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp

3. Sản xuất vàng miếng

4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng

5. Phát hành xổ số kiến thiết

6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)

7. Hoạt động dự trữ quốc gia

8. In, đúc tiền

9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam

10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan

11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội

12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng

13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải

14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn

15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư

16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch

17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế)

18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành)

19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng

20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

NGUYỄN THẢO

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

 

Các tin liên quan