[Cổ phiếu nổi bật tuần] KDC - bắt “hàng” ETF, nhà đầu tư lãi hơn 10% chỉ trong 1 tuần

BizLIVE - 27/03/2017 9:20:41 SA


Sau phiên review của 2 quỹ ETF cuối tuần trước, KDC bị bán ra hơn 3 triệu cổ phiếu với giá 37.500 đồng. Như “quy luật” gần đây cứ cổ phiếu bị bán ra mạnh là sẽ tăng trở lại sau đó, KDC bật tăng ngay phiên giao dịch sau đó. Nhà đầu tư tham gia “bắt” ETF cũng đã có lãi hơn 10% chỉ trong một tuần.

Diễn biến giao dịch của KDC trong thời gian gần đây


Kết thúc phiên cuối tuần qua, KDC đóng cửa ở mức giá 41.500 đồng/cổ phiếu, đạt mức tăng hơn 10% trong tuần qua, khối lượng khớp lệnh trung bình là hơn 860 nghìn đơn vị/phiên.

Đây chỉ là những biến động nhỏ trong xu hướng tăng dài, trong 3 tháng trở lại đây, KDC tăng hơn 20%, còn với mốc thời gian là 1 năm thì cổ phiếu này đã tăng tới hơn 89%. Hiện tại, giá cổ phiếu đang vượt đỉnh cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Hiện tại KDC đang có gần 256,7 triệu cổ phiếu niêm yết, trong đó có 50 triệu cổ phiếu quỹ. Cổ đông lớn nhất của KDC là ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc với gần 26 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,6%.

 

Cổ đông nắm giữ trên 5% vốn của KDC.


Đứng sau là 2 Công ty TNHH MTV PPK và Công ty TNHH Đầu tư KIDO đều do ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT làm chủ tịch tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ là 37,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 18,4%. Ngoài ra, vợ ông Thành là bà Vương Bửu Linh cũng nắm giữ 2 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng số cổ phần của nhóm nắm giữ trên 5% là 47,7%.

Kết quả kinh doanh 2016 và triển vọng

KDC đã công bố doanh thu thuần năm 2016 đạt 2.240 tỷ đồng, giảm 28,7%. LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.157 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu từ kem và sữa chua (thuộc KDF - Thực phẩm Đông lạnh Kinh Đô) đạt khoảng 1.405 tỷ đồng, tăng 35% và đóng góp 63% vào tổng doanh thu thuần.

Cụ thể, doanh thu dầu ăn đạt 738 tỷ đồng, tăng 195% và đóng góp 33% vào tổng doanh thu thuần.

Mảng dầu ăn gồm 2 phần: (1) thuộc công ty mẹ KDC (thương hiệu Đại Gia Đình) và (2) của TAC (TAC được hợp nhất vào KDC kể từ đầu tháng 12/2016). KDC đã mua 65% cổ phần TAC và hợp nhất công ty này vào tháng 12/2016.


Nguyên nhân khiến doanh thu giảm là do ảnh hưởng của việc bán mảng bánh kẹo trong khi mảng kinh doanh cốt lõi hiện tăng trưởng rất mạnh – mảng kinh doanh cốt lõi hiện tại là kem - sữa chua và dầu ăn lần lượt đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ là 35% và 195% nhờ nhu cầu cao và số điểm bán hàng tăng. Cho dù vậy tổng doanh thu thuần giảm 28,7% do ảnh hưởng của việc bán mảng bánh kẹo - KDC đã bán 80% cổ phần BKD vào cuối tháng 6/2015. Ước tính doanh thu mảng bánh kẹo 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.754 tỷ đồng.

Theo dự báo cho năm 2017 từ chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC):

Doanh thu thuần mảng kem và sữa chua (thuộc KDF) đạt 1.824 tỷ đồng, tăng trưởng 29,8%; LNST đạt 193 tỷ đồng, tăng trưởng 38,7%. Tăng trưởng đạt được nhờ cả hoạt động phân phối hiệu quả hơn và công suất sản xuất tăng. Tại thời điểm cuối năm 2016, KDF có 50.000 điểm bán hàng và dự kiến đến năm 2018 sẽ nâng gấp đôi số điểm bán hàng. Trong năm 2016 KDF đã nâng cấp nhà máy hiện tại tại TP HCM và đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Tổng cộng công suất sản xuất kem tăng 167% lên 24 triệu lít và sữa chua tăng 213% lên 25 triệu lít so với năm 2015.

Doanh thu thuần của TAC đạt 4.191 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5% và LNST đạt 97 tỷ đồng, tăng trưởng 45,7% với tỷ suất lợi nhuận gộp tăng 1% nhờ hoạt động mua hàng được thực hiện hiệu quả hơn. TAC sẽ hợp nhất nguyên năm vào KDC nên sẽ đóng góp đáng kể.

Ngoài ra, KDC sẽ hoàn tất mua 27% cổ phần VOC để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% cuối Quý II. Hiện KDC nắm 24% cổ phần VOC. Theo đó VOC sẽ được hợp nhất vào KQKD của KDC trong 6 tháng cuối năm.

Ước tính, doanh thu thuần của VOC đạt 3.533 tỷ đồng, giảm 36,5% và LNST đạt 283 tỷ đồng, giảm 7,9% với giả định là VOC không còn bán nguyên liệu cho TAC như trước đây.


Tiến hành IPO Công ty Thực phẩm Đông lạnh Kinh Đô (KDF)

KDF tiến hành IPO vào giữa năm 2017 – KDC có kế hoạch bán tới 35% cổ phần của Công ty Thực phẩm Đông lạnh Kinh Đô (KDF) vào tháng 4 tới đây. Hiện tại, KDC sở hữu 100% KDF và công ty này có vốn điều lệ là 560 tỷ đồng, tương đương 56 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

KDF được thành lập vào tháng 7/2003 sau khi Tập đoàn Kido mua lại nhà máy Kem Wall’s từ Unilever. Tại Việt Nam, KDF hiện đang là doanh nghiệp dẫn đầu ngành kem với thị phần khoảng 35% (2016), thế mạnh là các sản phẩm kem que với hai thương hiệu nổi bật Merino (19%) và Celano (13%). Kế đến là Unilever với thương hiệu kem Wall’s và Vinamilk với thị phần khoảng 10%. Ngoài ra còn có các thương hiệu địa phương như Thủy Tạ (9.7%), Tràng Tiền,… và một số dòng kem ngoại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand…

 Kết quả kinh doanh của KDF trong các năm qua.


Năm 2016, doanh thu thuần của Công ty tăng trưởng 31%, đạt 1.397 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 77% và 85% so với cùng kỳ lên mức 176 tỷ và 143 tỷ đồng. Trong năm, KDF đã phát triển thêm được 10.000 điểm bán lẻ, nâng tổng số lên 40.000 điểm trên cả nước.

Nếu tiến hành IPO thành công, KDC có thể ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ bán KDF trong năm 2017 và khoản lợi nhuận này có thể cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của KDC, dự báo là 238 tỷ đồng.

 

MAI HƯƠNG

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Các tin liên quan