Kim ngạch xuất khẩu cao su tăng mạnh nhờ giá

BizLIVE - 24/09/2021 9:32:09 CH


Giá cao su xuất khẩu tháng 8/2021 bình quân mức 1.641 USD/tấn, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái là yếu tố đẩy kim ngạch xuất khẩu cao su trong 8 tháng đầu năm đạt mức tăng kỷ lục gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. 
 
Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới về diện tích cao su, chiếm khoảng 5.6% tổng diện tích toàn cầu. Nhưng sản lượng xếp thứ ba, chiếm khoảng 7,7% tổng lượng cao su tự nhiên thế giới, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. 
Hiện cả nước có 238 doanh nghiệp chế biến mủ cao su, công suất đạt gần 1,2 triệu tấn/năm. Riêng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su, với công suất thiết kế 433 ngàn tấn/năm, chiếm 36,1% công suất các cơ sở chế biến mủ cao su cả nước.
Tổng công suất của các cơ sở chế biến hiện nay vượt sản lượng cao su hàng năm từ 15- 20%.
 
 
Nửa đầu tháng 9/2021, xuất khẩu cao su giảm mạnh nhưng kim ngạch không giảm
 
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục hải quan, nửa đầu tháng 9/2021, xuất khẩu cao su đạt 81.918 tấn, trị giá hơn 134,848 triệu USD, so với nửa đầu tháng 9/2020 giảm 22,29% về lượng nhưng về giá trị giảm không đáng kể chỉ giảm 0,58%. 
Cộng dồn đến cuối kỳ báo cáo đạt 1.189.427 tấn, trị giá hơn 1,986 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 17,43% về lượng và tăng 53,56% về kim ngạch. 
Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động từ đầu tháng 9 đến nay.
Ngày 24/9, giá mủ cao su tươi tại Bình Phước được các thương lái thu mua từ 308 - 315 đồng/ độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động khoảng 333-335 đồng/độ mủ. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ở mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8/2021, xuất khẩu cao su bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng bởi công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch. Nông dân trồng cao su tiểu điển ở nhiều tỉnh cũng phải tạm ngừng thu hoạch mủ cao su vì giãn cách xã hội. 
Tuy nhiên, xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm tăng 22,1% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá cao su xuất khẩu trong tháng 8/2021 bình quân ở mức 1.641 USD/tấn, giảm 0,8% so với tháng 7/2021, nhưng tăng 33,3% so với tháng 8/2020.
 
Trung Quốc chiếm 72% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước
 
Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới cũng là thị trường xuất khẩu chủ lực của cao su Việt Nam.
Trong tháng 8/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 72% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 136,6 nghìn tấn, trị giá 221,86 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với tháng 7/2021; so với tháng 8/2020 giảm 25,8% về lượng và giảm 1,4% về trị giá. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.624 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 7/2021 và tăng 32,8% so với tháng 8/2020.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 778,93 nghìn tấn cao su, trị giá 1,26 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 45,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ với 26.079 tấn cao su, trị giá 45.369.210 USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 92,69% về lượng và tăng 2,45 lần về kim ngạch. 
Cục XNK dự báo, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 11/2021. Trong đó, khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Từ tháng 7 tới tháng 11 là giai đoạn cao điểm của sản xuất cao su tại Trung Quốc, tuy nhiên quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. 
Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12/2021 và thêm hai triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 4/2022.
Hiện nay Trung Quốc chiếm 40% lượng tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu và nước này không cung cấp lại khiến ảnh hưởng đến thị trường. 
Vẫn theo Cục XNK, năm 2021, nhu cầu cao su của Ấn Độ dự báo tăng mạnh khiến nước này phải nhập khẩu nhiều cao su hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi nguồn cung và sản xuất cao su trong nước bị ảnh hưởng do những biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 ở bang Kerala - nơi sản xuất cao su lớn nhất của Ấn Độ có thể sẽ dẫn tới nhập khẩu cao su vào nước này năm 2021 tăng mạnh.
Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Ấn Độ trong 7 tháng năm 2021 hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là RSS1 tăng 49%, Latex tăng 39,4%, SVR CV50 tăng 33,3%. Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020.
 

Các tin liên quan