Triển vọng sáng từ cổ phiếu ‘năng lượng xanh’

Thời báo kinh doanh - 13/12/2021 9:17:09 SA


Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực mới mang lại triển vọng sáng và có sức hút các doanh nghiệp đầu tư với tốc độ tăng vượt bậc. Theo đó, các cổ phiếu năng lượng xanh được đánh giá là đầy tiềm năng dành cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận "khủng".
 
Không quá sôi động như nhóm “bank-chứng-thép” hay bất động sản..., thời gian qua, các cổ phiếu năng lượng xanh (điện gió, điện mặt trời) lặng lẽ bứt phá, tăng trưởng hàng chục phần trăm.
 
Lặng lẽ bứt phá
 
Là cái tên khá nổi trên thị trường chứng khoán trong lĩnh vực năng lượng điện gió, cổ phiếu BCG của Bamboo Capital có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Từ mức giá 9.470 đồng/cp vào thời điểm VN-Index tạo đáy ngày 20/7, cổ phiếu này đã liên tiếp phá đỉnh cũ và lập đỉnh mới tại mốc 25.750 đồng/cp vào phiên ngày 10/12.
 
Trước đó, cổ phiếu BCG chủ yếu giao dịch ở mức “trà đá”, và mức tăng 172% trong vòng 5 tháng là sự bứt phá ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử của BCG. Cùng với đó, thanh khoản của BCG cũng tăng vọt, thậm chí có phiên khớp lệnh tới gần 20 triệu cổ phiếu, trong khi trước đó chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đơn vị.

 
Các cổ phiếu năng lượng xanh liên tục bứt phá. (Ảnh: Int)
 
Về tình hình kinh doanh, thời gian gần đây, Bamboo Capital và BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital) đã liên tục mở rộng hợp tác với nhiều đối tác uy tín trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu đạt từ 1,5GW đến 2 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2023.
 
Cụ thể, cuối tháng 7/2021, BCG Energy và Tập đoàn SP (công ty điện lực hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đã thỏa thuận về việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cụ thể là điện mặt trời. Và mới đây nhất, ngày 9/12/2021, BCG Energy tiếp tục ký hợp đồng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam với Sembcorp Utilities (công ty con trực thuộc Sembcorp Industries).
 
Dự báo doanh thu cả năm 2021 của BCG tăng trưởng ở mức 231,7%, riêng doanh thu mảng năng lượng tái tạo dự kiến đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.
 
Tương tự, cổ phiếu FCN của CTCP FECON cũng thu hút nhà đầu tư khi tăng 128% trong vòng 5 tháng (từ 20/7 - 10/12/2021), chốt giá ở mức 24.550 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của FCN kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
 
Được biết, năng lượng sạch là một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà FECON đang đẩy mạnh phát triển. Công ty đã trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình, dự án Thái Hòa, dự án Trà Vinh V1.3, dự án Lạc Hòa – Hòa Đông,…
 
FECON dự kiến dành 340 tỷ đồng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo và dự án hạ tầng đô thị trong năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1.220 tỷ đồng vào năm 2022.
 
Tương tự, cổ phiếu PC1 của Công ty Xây lắp Điện I cũng chính thức phá đỉnh lịch sử ở mốc 40.000 đồng/cp với thanh khoản duy trì ở mức cao gần 6 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 10/12.
 
Hiện tại, Công ty Xây lắp Điện I đang vận hành 3 dự án điện gió lớn là Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên có tổng công suất lên tới 144MW và các dự án điện gió này đã hoàn thành vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11, kỳ vọng tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 cho mảng phát điện. Bên cạnh đó, PC1 đang khảo sát các dự án điện gió tiếp theo và hoàn toàn có khả năng tự phát triển và quản lý vận hành.
 
Ngoài ra, các cổ phiếu như HDG (Tập đoàn bất động sản Hà Đô), REE (CTCP cơ điện lạnh), LIG (CTCP Licogi 13), TV2 (CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2),... cũng là những cổ phiếu của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo khác có mức tăng ấn tượng trên thị trường chứng khoán.
 
Tiềm năng gắn với nhu cầu điện
 
Hiện tại, hướng sử dụng năng lượng tái tạo của thế giới đang được đặt lên hàng đầu. Theo đó, các nước đều đặt trọng tâm phát triển vào năng lượng xanh, làm cho xu hướng dòng vốn xanh ESG đang gia tăng tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
 
Các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam sẽ tăng mạnh do yếu tố thời tiết và kinh tế sẽ dần khôi phục khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát dẫn tới nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh trở lại, làm cho tình trạng thiếu hụt điện có thể tiếp tục tiếp diễn.
 
Thực tế cho thấy, thời điểm thiếu hụt điện vào tháng 5-6/2021, các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp điện cho nhiều tỉnh, thành phố, nhất là ở miền Bắc.

Dự báo công suất điện năng lượng tái tạo trong năm 2020-2045.
 
Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự kiến tỷ trọng đóng góp của nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40,6% tổng công suất hệ thống điện vào năm 2045. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2045, năng lượng tái tạo được đặt mục tiêu tăng trưởng kép 7,3%, nâng tỷ trọng từ 25,8% (năm 2020) lên 41% công suất cả nước (năm 2045).
 
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cơ chế giá FIT (cố định giá mua điện trong vòng đời dự án) sẽ làm cho ngành năng lượng tái tạo thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh tay rót vốn đầu tư.
 
“Với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ là nước có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN. Do đó, sự quan tâm sẽ đổ dồn tới các dự án năng lượng tái tạo có biểu giá hấp dẫn và các cổ phiếu phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo”, chuyên gia phân tích Rahul Bhatia của Khối nghiên cứu toàn cầu HSBC nhận định.
 
Trong báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán VNDirect đã đưa ra đánh giá cao những các cổ phiếu của những công ty sở hữu dự án năng lượng tái tạo với mức giá FIT ưu đãi hấp dẫn và phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo như BCG, FCN,… Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ có thể sẽ hỗ trợ một số công ty điện gió phát triển tốt trong tương lai như HDG, GEG, REE, PC1,…
 
Tuy nhiên, dù sức hút của ngành năng lượng tái tạo đang khá lớn trên thị trường, song đây là lĩnh vực mới chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Đồng thời, thống kê cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư có tỷ lệ thành công cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết, cổ phiếu ngành năng lượng xanh vẫn chứa nhiều rủi ro giảm giá như tiêu thụ điện phục hồi chậm hơn dự đoán do dịch Covid-19 và lưới điện truyền tải chưa đáp ứng các nguồn điện năng lượng tái tạo, dẫn tới cắt giảm công suất của loại hình điện này.
 
Theo nhận định của chứng khoán Ngân hàng ngoại thương (VCBS), việc giảm tỷ lệ cắt giảm công suất nhờ đầu tư hệ thống truyền tải sẽ giúp các dự án điện mặt trời cải thiện hiệu suất hoạt động. Song, tình trạng dư thừa công suất cục bộ vẫn cần thời gian để giải quyết.
 
“Công suất tăng thêm của mảng điện mặt trời sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách giá điện trong thời gian tới và có thể sẽ theo cơ chế đấu thầu. Tuy nhiên sẽ cần thời gian dài hơn để có một cơ chế tốt nhất, tránh việc đầu tư ào ạt, phá vỡ quy hoạch, gây ra sự bất cân đối nguồn điện khiến cho nhiều dự án bị giảm phát do quá tải đường dây. Với việc dư cung trong ngắn hạn, ước tính ít nhất cho tới hết năm 2022 vẫn chưa phát triển thêm các dự án điện mặt trời”, chuyên gia của VCBS dự báo.
 

Các tin liên quan