Nhà đầu tư đang kỳ vọng quá lớn vào cổ phiếu bất động sản?

Thời báo kinh doanh - 20/12/2021 8:50:14 SA


Liên tục được hỗ trợ bởi những thông tin “nóng” về những dự án hạ tầng quy mô lớn được khởi công và các cuộc đấu giá đất "vô tiền khoáng hậu", cổ phiếu bất động sản như “hổ mọc thêm cánh”, mang tới kỳ vọng lớn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, thị trường chứng khoán vẫn trong tình trạng lên xuống thất thường, có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào, mang nhiều tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư.
 
Chị Thanh Giang (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hiện tại trong danh mục đầu tư của chị phần lớn là các mã cổ phiếu nhóm bất động sản (BĐS), nhất là những mã hưởng lợi trực tiếp từ những thông tin nóng hổi hiện nay. Mặc dù thị trường liên tục điều chỉnh mạnh nhưng chị vẫn giữ vững quan điểm, nhất quyết chưa bán cổ phiếu BĐS nào với lý do nhóm ngành này còn bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
 
“BĐS là nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ, trong khi đó quý IV thường là quý cao điểm của thị trường BĐS với hoạt động mua bán sôi động nên cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ được các nhà đầu tư quan tâm ưu ái. Khả năng lớn nhóm ngành này sẽ tạo thêm làn sóng mới cho thị trường thời điểm cuối năm 2021 và cả năm 2022”, chị Giang nói.
 
“Trụ đỡ” của thị trường
 
Suy nghĩ của chị Giang có lẽ cũng giống suy nghĩ của số đông nhà đầu tư hiện nay khi họ liên tục đổ một lượng tiền lớn vào nhóm cổ phiếu BĐS làm cho thanh khoản tăng mạnh, kéo theo nhiều cổ phiếu liên tục “thăng hoa”, thậm chí vượt cả mong đợi của các nhà đầu tư.

 
Cùng với sự bùng nổ của thị trường, nhóm cổ phiếu BĐS lại bất ngờ trở thành trụ đỡ thị trường. (Ảnh: Int)
 
Thực tế cho thấy, từ thời điểm hậu giãn cách, thị trường chứng khoán đã liên tiếp xác lập kỷ lục mới sau hơn 21 năm thành lập cả về điểm số cũng như giá trị thanh khoản đột biến mỗi phiên giao dịch. Đáng chú ý, cùng với sự bùng nổ của thị trường, nhóm cổ phiếu BĐS lại bất ngờ trở thành trụ đỡ thị trường, thay vì nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng như trước đó.
 
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 17/12, trong khi cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là “tội đồ” làm cho VN-Index giảm điểm thì cổ phiếu ngành BĐS lại là nhóm ngành chính mang tới sắc xanh kết phiên cho thị trường khi có tới 60 mã cổ phiếu tăng giá và chỉ 21 mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ.
 
Tính chung cả tuần (13-17/12), xét theo mức độ đóng góp, cổ phiếu VHM (CTCP Vinhomes), BCM (Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP) và DIG (Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng) là ba mã cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index, với giá trị đóng góp hơn 11 điểm cho thị trường.
 
Ngoài ra, những mã khác thuộc nhóm vốn hoá lớn cũng tăng mạnh như cổ phiếu VRE (CTCP Vincom Retail) tăng 2,5%; KDH (CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền) cũng tăng 4,3% và đang có thị giá tương đương mức đỉnh tháng 11 vừa qua; BCM cũng kéo dài chuỗi phiên tăng mạnh trong tuần, với trung bình tăng trưởng 3,7%/phiên…
 
Trước đó, trong những phiên vượt mốc quan trọng của thị trường như 1.400 điểm (ngày 28/10) và 1.500 điểm (ngày 25/11), cổ phiếu BĐS vẫn là nhóm ngành chủ yếu đóng góp không nhỏ cho chỉ số VN-Index khi thay nhau nâng đỡ thị trường như cổ phiếu NVL (Novaland), KDH, DIG, NLG (CTCP Đầu tư Nam Long), …
 
Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS bị “dồn nén” lại. Do đó, ngay khi nhiều doanh nghiệp đồng loạt báo lãi lớn bất chấp Covid-19, cổ phiếu BĐS đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo sau đó là những tin tức các dự án hạ tầng quy mô lớn liên tục được khởi công và các cuộc đấu giá đất diễn ra đã làm cho các nhà đầu tư càng kỳ vọng lớn hơn nữa về cổ phiếu ngành BĐS.
 
“Thông tin đấu giá đất kỷ lục tại phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức chính là cú hích lớn cho cổ phiếu BĐS liên tục “hô mưa gọi gió” trong những phiên vừa qua”, một số chuyên gia phân tích nhận định.
 
Liệu có là "kèo thơm" cho nhà đầu tư?
 
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi tốt hơn trong năm 2022 và 2023. Đáng chú ý, hiện tại nhu cầu đầu tư BĐS vẫn rất cao, thúc đẩy thị trường phục hồi mạnh, tiếp tục gia tăng giá và hút vốn.
 
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ ra rằng, dư địa phát triển dành cho BĐS còn nhiều. Tỷ trọng ngành BĐS của Việt Nam năm 2020 chỉ mới đạt 20,89 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP cả nước.
 
Trong khi đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến hết tháng 11, tổng vốn ngoại đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản đã đạt gần 2 tỷ USD, tiếp tục trụ vững ở vị trí thứ ba trong nhóm các lĩnh vực.
 
Trên thị trường phát hành trái phiếu, doanh nghiệp BĐS cũng đang xếp thứ nhất với 436.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu nhóm BĐS cũng đang có mức tăng cao hơn bình quân toàn thị trường và là điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Điều này tiếp tục khẳng định, về trung và dài hạn, cổ phiếu BĐS vẫn là “kèo thơm” cho các nhà đầu tư.
 
“Dòng cổ phiếu BĐS liên tục tăng rất nóng, hết vượt các đỉnh cũ, rồi lại thiết lập đỉnh mới. Xu hướng tích cực của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa có chiều hướng dừng lại và chúng tôi nhận thấy kỳ vọng tăng giá vẫn còn rất lớn”, Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) nhận xét.
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành chứng khoán cho rằng, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn giao dịch sôi động, người mua lẫn người bán ra vào tấp nập làm cho thị trường lên xuống “thất thường” nên giai đoạn này vẫn tiềm ẩn rủi ro vì cổ phiếu có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào.
 
“Việc đầu tư vào cổ phiếu bất động sản bất chấp sức khoẻ của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh lỗ liên tiếp sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư khi dòng tiền sẽ đến lúc phân hoá, chuyển qua những cổ phiếu có yếu tố nội tại tốt”, Công ty chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) nhận định.
 
Theo đó, các nhà đầu tư phải hiểu biết kỹ thuật, nên tìm hiểu doanh nghiệp có cổ phiếu mình muốn đầu tư. Đồng thời, tránh tình trạng "đu giá" những cổ phiếu có tình hình kinh doanh kém khả quan, ít thanh khoản để nếu cổ phiếu bất ngờ rơi vào tình trạng sàn liên tục và “múa bên trăng” nhà đầu tư không bị vỡ mộng, “tiền mất tật mang” ở thời điểm thị trường nóng như hiện nay.
 

Các tin liên quan