Tháng thứ 7 liên tiếp vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm

BizLive - 26/08/2022 9:22:56 SA


Tính đến ngày 20/8, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam sụt giảm 43,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn thực hiện, vốn điều chỉnh hay việc góp vốn mua cổ phần trong giai đoạn vẫn tiếp tục được củng cố, đẩy mạnh.
 
 
Theo số liệu mới công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 16,8 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Trong đó, vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Đáng chú ý, tới cuối tháng 8, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 6,35 tỷ USD, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng nghĩa, đây là tháng thứ 7 liên tiếp kể từ đầu năm, vốn FDI đăng ký mới sụt giảm so với cùng kỳ.
 
Cụ thể, trong giai đoạn, đã có 1.135 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tương đương với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 6,35 tỷ USD (giảm 43,9%).
 
Sau 8 tháng, đã có 676 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,5 tỷ USD (tăng 50,7% ); Có 2.425 lượt GVMCP của NĐTNN (giảm 10,8% so với cùng kỳ) với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,9 tỷ USD (tăng 3,6%).
 
Lý giải nguyên nhân vốn FDI đăng ký mới tiếp tục sụt giảm, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn sau gián đoạn của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
 
Điểm tích cực là vốn FDI thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2022 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng thêm 0,3 điểm % so với thống kê của 7 tháng.
 
Đồng thời, tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ, lần lượt là 50,7% và 3,6%.

 
Cơ cấu đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm theo thành phần vốn đầu tư. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).
 
Thêm 6 quốc gia mới có quyết định đầu tư
 
Về lĩnh vực đầu tư, trong kỳ, các NĐTNN đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam.
 
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
 
Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD.
 
Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,3%, 25,3% và 16,1% tổng số dự án.
 
Về đối tác đầu tư, hiện đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, so với số thống kê ở tháng liền kề, vừa có thêm 6 quốc gia/vùng lãnh thổ mới đầu tư vào nước ta.
 
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ.
 
Với dự án Lego có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,49 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.
 
Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng dự án, Hàn Quốc hiện vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 8 tháng (chiếm 21,9% số dự án mới, 36,8% số lượt điều chỉnh và 34,9% số lượt GVMCP).

 
BizLIVE tổng hợp theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. ĐV: Tỷ USD.
 
TP.HCM trở lại vị trí dẫn đầu
 
Theo thống kê, các NĐTNN đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2022 - tăng thêm 2 địa phương so với thống kê của tháng liền kề.
 
Trong đó, TP.HCM hiện dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,7 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Với sự quay trở lại ngôi vị dẫn đầu của TP.HCM, Bình Dương đã lùi xuống vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,64 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ.
 
Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,75 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn và tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
 
Nếu xét về số dự án mới, các NĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới (42,2%), số lượt GVMCP (67,3%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,2% sau Hà Nội là 17,9%).
 
Lũy kế tới cuối tháng 8/2022, cả nước có 35.539 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 430 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 264,4 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
 

Các tin liên quan