Sau cuộc đua phá đỉnh lãi suất, ngân hàng gồng mình chịu trận

Vietnam Finance - 29/05/2023 10:07:06 SA


Sau cuộc đua 'phá đỉnh' lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2022, các ngân hàng đang phải “gồng mình” trả lãi tiền gửi tăng đột biến. Ngân hàng cũng đang chật vật giảm lãi vay do trót huy động vốn cao.

Chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng tăng đột biến

Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng vào khoảng 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83,43% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 27/28 ngân hàng trên sàn chứng khoán có chi phí này tăng trên 50%. Trong đó, có 9 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên 100%.

Như tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đều ghi nhận mức trả lãi tiền gửi trong quý I/2023 tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tại Techcombank, chi phí lãi tiền gửi quý I/2023 ở mức gần 5.020 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng (tương đương 186%) so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ở MSB, chi phí trả lãi tiền gửi quý I/2023 đạt gần 1.850 tỷ đồng, tăng 1.115 tỷ đồng (tương đương 152%) so với cùng kỳ năm trước.

Với TPBank, trong quý I/2023, chi phí lãi tiền gửi ở mức 3.197 tỷ đồng, tăng 1.870 tỷ đồng (tương đương 130%) so với cùng kỳ năm trước.

Tại MB, chi phí lãi tiền gửi trong quý I/2023 là 5.186 tỷ đồng, tăng 2.896 tỷ đồng (tương đương 126%) so với cùng kỳ năm trước. Chi phí này chiếm khoảng 72,5% trong khoản mục chi phí lãi và các chi phí tương tự của MB.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận khoản trả lãi tiền gửi tăng trên 100% là VPBank đạt 5.536,7 tỷ đồng (tăng 111,5%); VIB đạt 3.984 tỷ đồng (tăng 101%), HDBank đạt 4.707,06 tỉ đồng (tăng 100,9%)...

Nhóm ngân hàng có mức trả lãi tiền gửi tăng trên 50% trong quý vừa qua gồm: ACB đạt 6.283,8 tỷ đồng (tăng 97,8%); Sacombank đạt 7.461,7 tỷ đồng (tăng 88,2%); Vietcombank đạt 12.909,1 tỷ đồng (tăng 84,7%); SHB đạt 8.939 tỷ đồng (tăng 77,7%); LPBank đạt 3.914,8 tỷ đồng (tăng 77,55 %); NCB đạt 1.436 tỷ đồng (tăng 76%).

Chỉ có duy nhất một ngân hàng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng dưới 50% trong quý vừa qua là BacABank (tăng 33%).

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc chi phí trả lãi tiền gửi tại các ngân hàng tăng lên chủ yếu là hệ quả của việc huy động với lãi suất cao

Không chỉ chi phí cho lãi tiền gửi tăng lên, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở nhiều ngân hàng.

Điều đáng nói, dù chi trả nhiều hơn nhưng các ngân hàng lại không thực sự thu hút được nhiều nguồn vốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77%, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 2,15%.

Ngân hàng chật vật giảm lãi vay

Tín dụng tăng chậm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành hạ lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động hạ nhanh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Sau 3 đợt cắt giảm liên tiếp của NHNN, lãi suất điều hành đã giảm về mức trước Covid-19, trần lãi suất huy động trở về mức trước khi Covid-19 diễn ra. Nhưng lãi suất cho vay bình quân vẫn cao hơn trước dịch khoảng 1%.

Trái ngược với cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động cuối năm ngoái, những tháng gần đây, thị trường chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất huy động.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng đã lùi về mức dưới 8%/năm. Mức lãi suất này so với “đỉnh” cuộc đua lãi suất vào tháng 12/2022 đã giảm 2-4%/năm tùy từng ngân hàng.

Người dân vẫn luôn có tâm lý kỳ vọng lãi suất thực dương. Tuy nhiên, lãi suất giảm sâu, có thể tiền sẽ chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng.

“Nếu giảm sâu quá thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn do người dân thấy tiền gửi lãi suất thấp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn ở khoảng 9,3%/năm.

Lãi suất cho vay hiện tại cao một phần là do ngân hàng đã huy động một lượng vốn có chi phí cao từ khoảng nửa cuối năm ngoái. Nhiều ngân hàng đã trót huy động lãi suất cao với kỳ hạn dài hồi cuối năm ngoái nên hiện khá chật vật với mục tiêu giảm lãi suất cho vay.

Huy động vốn tăng, trong khi tín dụng chậm lại, khiến các ngân hàng càng thêm mắc kẹt với lãi suất huy động giá cao, khó giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay dự kiến giảm về mức trước dịch sau vài tháng nữa, khi các ngân hàng thương mại “hấp thụ” hết lượng vốn giá cao trước đây.

Nhiều chuyên gia nhận định, dù lãi suất cho vay có thể giảm thêm thời gian tới nhưng với sức khỏe doanh nghiệp yếu đi, điều kiện giải ngân không được “nới”, nhiều khả năng tín dụng sẽ tiếp tục tăng chậm.

TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, cho hay, quý I/2023, huy động vốn ngành ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm lại đây. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Có thể, tình hình này sẽ còn gia tăng thời gian tới.

"Cuối năm ngoái, đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, giờ thì ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên làm gì cho hiệu quả. Họ chưa có nhu cầu vay tiền. Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng rất cần bơm vốn ra nền kinh tế, nếu ôm tiền nhiều sẽ mắc kẹt. Ngân hàng buộc phải hạ lãi suất xuống nữa", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết.

Trong bối cảnh đơn hàng giảm 30-40% như hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong chờ được cơ cấu nợ, giãn nợ hơn là tiếp cận vốn mới.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lãi suất trong xu hướng hạ, song rủi ro của nền kinh tế đang gia tăng, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay ra, doanh nghiệp vay vốn sẽ không dễ dàng. Về phía doanh nghiệp, ngay cả với doanh nghiệp khỏe thì nhu cầu vay vốn cũng chỉ ở mức “cầm chừng” do đầu ra khó khăn, sức cầu thị trường giảm, hàng hóa bán chậm. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn, doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ giảm lãi suất chưa thể cứu doanh nghiệp mà cần thêm các giải pháp đồng bộ khác như giảm thuế, tăng an sinh xã hội… để kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế, bù đắp phần nào sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài. 

Minh Dũng

Các tin liên quan