Hướng đi nào cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng trước tình cảnh ‘sóng sau đè sóng trước’ ?

Thời báo kinh doanh - 24/05/2024 8:54:51 SA


Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước đang đối mặt tình cảnh “sóng sau đè sóng trước” với một loạt thương hiệu cũ sa sút hoặc rời bỏ thị trường và lại sẽ có một loạt thương hiệu mới nổi lên. Nếu không muốn rời cuộc chơi, buộc họ nên chọn hướng đi linh hoạt và phù hợp cho riêng mình, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đổi mới mới sáng tạo hơn nữa. 

Mặc dù phải đến gần cuối tháng 5/2024 Tổng công ty Viglacera (VGC) mới tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024, tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khá khả quan so với tình hình ảm đạm chung của nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành vật liệu xây dựng. Cụ thể, tính riêng 4 tháng đầu năm nay ước lãi của VGC đạt 31% kế hoạch năm, lãi tăng khoảng 143,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Chú trọng giảm chi phí, giảm giá thành

Còn trong tháng 5/2024, VGC tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất vật liệu xây dựng. Nhất là thực hiện kiểm soát giá thành và tiết giảm chi phí sản xuất để tối ưu hóa hiệu suất và lợi nhuận. Song song đó là việc tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là tại các khu vực như Miền Trung và Miền Nam. Trong giai đoạn thị trường khó khăn, công ty cũng tập trung quản trị nội bộ nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh linh hoạt, hiệu quả.

Việc phục hồi thị trường xây dựng nội địa có ý nghĩa “sống còn” để có thể vực dậy DN ngành vật liệu xây dựng.

Khi mà thị trường vật liệu xây dựng còn khó khăn thì việc thận trọng trong các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận là lẽ đương nhiên. Cho nên với kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2024, VGC đặt chỉ tiêu tổng doanh thu thuần 13.353 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.110 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 8% so với năm 2023. 

Việc giảm chi phí, giảm giá thành đang là hướng đi của công ty này. Đơn cử như với đơn vị thành viên là CTCP Viglacera Thăng Long, giám đốc Đoàn Hải Mậu cho biết mục tiêu là giảm giá thành từ 5% đến 10%. Để làm được điều đó thì công ty đàm phán giảm giá đầu vào (mục tiêu giảm 3 - 5%), thực hiện các giải pháp giảm tiêu hao điện năng, cải thiện thiết bị và công nghệ, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư và cải tạo.

Trong khi đó, với một DN hàng đầu về sản xuất xi măng như CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1), hoạt động mà hội đồng quản trị nhắm đến trong năm 2024 là tập trung vào thị trường nội địa làm thị trường chính, tiếp tục mục tiêu đẩy mạnh sản lượng, giữ vững và tăng thị phần tại các khu vực thị trường của công ty. Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu trong giai đoạn thị trường nội địa đang tiếp tục dư cung. 

Tuy vậy, nếu soi kỹ trong hướng đi của hội đồng quản trị thuộc công ty này vẫn chưa thấy nổi bật những giải pháp mạnh cho việc giảm chi phí, giảm giá thành trong thời gian tới. Điều đáng nói, báo cáo tài chính quý 1/2024 được công bố gần đây cho thấy HT1 đã ghi nhận lỗ gần 25 tỷ đồng.   

Có thể nói việc linh hoạt chọn hướng đi phù hợp là rất quan trọng với các DN vật liệu xây dựng trong bối cảnh thị trường còn đầy rẫy khó khăn. Bởi lẽ, nếu đi chệch hướng, thiếu các giải pháp nhằm giảm chi phí, giảm giá thành thì việc lỗ là khó tránh khỏi. Điều này đang thấy rõ ở các DN mảng sản xuất xi măng.

Như dữ liệu thống kê mới đây, trong số 17 DN xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 thì có đến 11 DN đều kinh doanh thua lỗ (với 4 DN lãi chuyển lỗ và 7 DN tiếp tục thua lỗ). Giới quan sát nhận định rằng lợi nhuận của các DN sản xuất xi măng sẽ vẫn gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2024 (có thể ghi nhận lỗ ròng). 

Và việc liệu có phục hồi trong nửa cuối năm 2024 hay không đang trông chờ những hướng đi tích cực của các DN ở ngành hàng xi măng. Không những vậy, tình hình hiện tại của các DN xi măng trong nước được cho là đang gia tăng nguy cơ phá sản, nhiều DN sản xuất cầm chừng, chi phí tăng, thuế xuất khẩu tăng, tiêu thụ giảm sâu trong nước lẫn xuất khẩu, phải gồng mình trả nợ vay cho ngân hàng.

Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh

Nhất là việc tăng trưởng ở thị trường xuất khẩu có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam đang làm cho các DN xi măng đối mặt nhiều khó khăn. Ngoài ra, áp lực gia tăng từ các đối thủ cạnh tranh trong nước có thể khiến giá xi măng giảm cũng là thách thức.  

Như ước tính từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI, tình trạng dư cung đã tăng từ 15% trong năm 2022 lên 30% trong năm 2023. Cùng với mức tăng trưởng trái chiều trên kênh xuất khẩu, điều này sẽ làm gia tăng cạnh tranh trong nước. Đặc biệt xảy ra ở miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Cần nhắc thêm, hồi tháng 4/2024 Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất có biện pháp hỗ trợ, tránh nguy cơ DN phá sản, bán mình. Rồi trong trung tuần tháng 5/2024 hiệp hội tiếp tục có văn bản gửi đến Thủ tướng kiến nghị đưa thuế xuất khẩu clinker về 0% để gỡ khó về mặt xuất khẩu cho các DN trong ngành.

Trong đánh giá mới đây về ngành vật liệu xây dựng, CTCP Nghiên cứu kinh doanh Việt Nam (Viet Research) cho rằng ngành này có đặc tính nổi bật là nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô. Khi ngành xây dựng, bất động sản làm ăn phát đạt thì ngành vật liệu xây dựng có cơ hội để tăng trưởng và ngược lại.

Nghiên cứu của Viet Research cho thấy năm 2024 được xem là năm bản lề để tích lũy, tạo dựng, chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục và phát triển mới của ngành bất động sản – xây dựng nói chung và ngành vật liệu xây dựng nói riêng. Qua mỗi chu kỳ kinh tế đều có hiện tượng “sóng sau đè sóng trước”, sẽ có một loạt thương hiệu cũ sa sút hoặc rời bỏ thị trường và lại sẽ có một loạt thương hiệu mới nổi lên, tạo lập vị thế mới trong chu kỳ phát triển mới.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa “sống còn” để có thể vực dậy cộng đồng DN trong ngành vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp hết sức quan trọng, tạo đà để toàn ngành vực lên trong thời gian tới”, phía Viet Research nhận định.

Nói chung, để vượt qua giai đoạn khó khăn này đang rất cần các DN ngành vật liệu xây dựng có những hướng đi linh hoạt hơn nữa. Đặc biệt là nên chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đổi mới mới sáng tạo để tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. 

Ngoài ra, các DN vật liệu xây dựng phải nỗ lực tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản lý, chú trọng tiết kiệm chi phí và chú ý đến vấn đề môi trường như giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn…Đồng thời, họ cần tăng cường khâu tiếp thị, linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm.

Thế Vinh-Link gốc

Các tin liên quan