Doanh nghiệp dồn lực tìm kiếm đơn hàng cuối năm

Báo Hải quan - 29/08/2022 7:15:00 AM


Khác với mọi năm, do tình hình khó khăn của kinh tế bên ngoài, nên những tháng cuối năm này, nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp có lượng đơn hàng giảm dần. Vì thế, việc cấp thiết cần thực hiện là các doanh nghiệp phải lên kế hoạch tìm kiếm khách hàng, tìm cơ hội gia tăng đơn hàng.
 
 
DN phải thay đổi để mở rộng cơ hội tìm kiếm đơn hàng, đối tác. Ảnh: ST
 
“Ăn đong” đơn hàng
 
Mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn rất khả quan và vẫn đang xuất siêu 1,39 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 15,13 tỷ USD, giảm khoảng 7% so với nửa cuối tháng 7/2022, dẫn đến nhập siêu 0,11 tỷ USD. Thực trạng này xuất phát từ việc các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, “ăn đong” đơn hàng để đảm bảo dây chuyền sản xuất có thể vận hành ổn định.
 
Một doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày dép cho biết, trước đây, doanh nghiệp có thể nhận đơn hàng trước từ 1-2 quý, đơn hàng càng dồn dập về cuối năm, nhưng năm nay, doanh nghiệp chỉ có đơn hàng trước 2-3 tháng. Thậm chí, vị này cho biết, có doanh nghiệp đã bị đối tác hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.
 
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam, thị trường châu Âu đang bị lạm phát cao, đời sống khó khăn, trong khi mặt hàng điều ở phân khúc cao nên lượng hàng xuất khẩu rất khó khăn. Khi thị trường giảm đã ảnh hưởng đến ngành điều, hiện một số nhà máy chế biến điều quy mô nhỏ và trung đã phải đóng cửa vì không có đầu ra. Thậm chí, vị này cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh hơn, nên ngành điều dự đoán kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD như kế hoạch đăng ký từ đầu năm sẽ không đạt được.
 
Thay đổi để tìm kiếm cơ hội
 
Từ những khó khăn này, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp không thể “chùn bước”, mà phải có những kế hoạch để thay đổi cách thức tìm kiếm đối tác, tìm kiếm đơn hàng mới. Ngoài ra, để giảm tối đa tác động, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động…
 
Chẳng hạn, Công ty TNHH Hồng Đức (doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều tại Đắk Nông) đã thay đổi chiến lược, cùng với việc xuất khẩu hạt điều nhân trắng đi thị trường châu Âu, Mỹ thì doanh nghiệp đã thu gọn hoạt động sản xuất, tập trung nguồn lực cho sản phẩm điều rang muối để phục vụ thị trường Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, sản phẩm điều rang muối tuy có giá bán không cao, nhưng lại không tốn nhiều chi phí sản xuất nên phù hợp với “túi tiền” của thị trường nhập khẩu trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay.
 
Cũng chịu tác động từ tình trạng suy giảm nhu cầu, để ứng phó, đại diện Công ty Cổ phần Sợi Thế kỷ cho biết Công ty sẽ tập trung vào các thị trường ngách với các sản phẩm giá trị gia tăng cao, tiếp tục tìm kiếm và mở rộng mạng lưới khách hàng, đẩy mạnh việc nhận đơn hàng... để duy trì biên lợi nhuận ổn định. Bên cạnh đó, báo cáo kinh doanh của Sợi Thế kỷ cũng cho thấy, Công ty đã và đang tập trung vào mặt hàng sợi tái chế và có kế hoạch dài hạn cho sản phẩm này bởi biên lợi nhuận cao. Lý giải cho chiến lược này, Công ty cho biết hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới đang có cam kết về tỷ trọng sử dụng sợi tái chế, nên phải phát triển để tận dụng thời cơ sau này.
 
Đặc biệt, với nhiều doanh nghiệp hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử để tìm kiếm khách hàng đang trở nên hết sức cần thiết. Đại diện Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ BigPhone cho hay, khi đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng lên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Vị này cho rằng, xuất khẩu qua thương mại điện tử đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận thị trường rộng lớn, dễ dàng tìm kiếm thông tin khách hàng cũng như các yêu cầu của thị trường để tăng tốc xuất khẩu, mà không tốn kém chi phí và nhân lực như phương thức tìm kiếm khách hàng truyền thống.
 
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hàng hóa của các doanh nghiệp đã có mặt ở các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon. JD.com, Alibaba, Shopee Global… với các mặt hàng chủ yếu là nông sản thành phẩm, thủ công mỹ nghệ, nội thất, gia dụng… Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với các trang thương mại điện tử quốc tế không chỉ để đẩy mạnh xuất khẩu, mà các doanh nghiệp còn có cơ hội ký kết các hợp đồng lớn với các nhà phân phối lớn.
 
Cùng với những hành động trên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc tìm kiếm khách hàng, thị trường mới cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và sản phẩm cũng như cập nhật thông tin về thị trường thường xuyên cho doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp cũng phải tự “nâng cấp”, để chất lượng sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của hầu hết thị trường quốc tế, giúp việc chuyển đổi thị trường xuất khẩu nhanh chóng và thuận lợi hơn.
 

Các tin liên quan